Phản ứng sau khi Bắc Kinh tuyên bố thành lập một đơn vị hành chính quanh các vùng lãnh hải đang tranh chấp trên biển Đông, đồng thời thành lập đơn vị đồn trú ở đây, ngày 24-7, Mỹ cảnh báo Trung Quốc chớ có những hành động đơn phương trên biển Đông.
Khiêu khích không cần thiết
Nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói: “Chúng tôi vẫn quan ngại về khả năng có bất kỳ hành động đơn phương nào như vậy”. Bà cũng cho biết Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong chuyến công du châu Á gần đây “thường bày tỏ quan ngại trước mọi tình trạng ép buộc về kinh tế hay quân sự” liên quan tới những tranh chấp giữa Trung Quốc với một số quốc gia Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam và Philippines) thông qua những tuyên bố chủ quyền trên biển Đông.
Cùng ngày, tại Washington, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã bày tỏ quan điểm cho rằng quyết định của Quân ủy Trung ương Trung Quốc triển khai quân tới các hòn đảo ở biển Đông mà Việt Nam cùng tuyên bố chủ quyền là sự khiêu khích không cần thiết. Ông cũng cho rằng những hành động khác bao gồm việc Trung Quốc bầu đại biểu của cơ quan lập pháp phụ trách các đảo và vùng biển ở biển Đông chỉ càng củng cố thêm lý do tại sao các nước châu Á ngày càng quan ngại trước những tuyên bố chủ quyền mở rộng của Trung Quốc - điều vốn không có cơ sở pháp lý chiếu theo luật pháp quốc tế - và khả năng Trung Quốc sẽ cố tình áp đặt những tuyên bố như thế thông qua đe dọa và cưỡng bức.
Ông cho rằng hành động của Chính phủ Trung Quốc “là đáng thất vọng và không phù hợp với một cường quốc có trách nhiệm” và “chúng ta cần tiếp tục hối thúc tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ở biển Đông tìm kiếm một giải pháp hòa bình, đa phương dựa trên luật pháp quốc tế và duy trì các nguyên tắc tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế”.
Căng thẳng leo thang
Quân đội Philippines ngày 24-7 tuyên bố sẽ theo dõi kế hoạch thành lập đơn vị đồn trú của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa ở biển Đông. Hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn quân đội Philippines Đại tá Arnulfo M. Burgos Jr. nói rằng quân đội cũng sẽ phối hợp với nhiều cơ quan khác trong chính quyền Manila liên quan tới vấn đề này, đồng thời khẳng định quân đội Philippines sẽ không từ bỏ cam kết duy trì tính toàn vẹn và chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Báo Manila Times ngày 25-7 đăng nhận định của Philippines đầu tuần này tuyên bố sẽ mua sắm thêm máy bay và tàu chiến, trong khi Đài Loan (đảo thuộc Trung Quốc và cũng tự tuyên bố chủ quyền một số nơi ở Trường Sa) có kế hoạch mở rộng cơ sở quân sự, đưa súng cối và pháo cao xạ đến khu vực tranh chấp. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ biển Đông và thực hiện nhiều hoạt động rầm rộ tại đây, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng như Việt Nam và Philippines.
Căng thẳng trên biển Đông lại leo lên nấc thang mới khi trước đó phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi một mặt hối thúc Philippines có những nỗ lực hữu ích hơn nữa nhằm giải tỏa căng thẳng liên quan tới bãi đá ngầm Hoàng Nham (Philippines gọi là bãi đá ngầm Scarborough), mặt khác khẳng định Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) không được sử dụng làm cơ sở để phán quyết bãi đá Hoàng Nham thuộc về bên nào, cũng như không thể thay đổi được thực tế bãi đá này là bộ phận cố hữu của Trung Quốc.
Hạnh Chi (tổng hợp)