Mỹ có thể đơn phương tấn công Syria

Hãng AP ngày 30-8 đưa tin Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chuẩn bị về khả năng đơn phương tấn công Syria trong bối cảnh Anh, đồng minh thân cận của Mỹ và một số nước sẽ không tham chiến cùng Mỹ. Trong khi đó, Syria cũng đã chuẩn bị cho kịch bản Mỹ tấn công nước này.
Mỹ có thể đơn phương tấn công Syria

Hãng AP ngày 30-8 đưa tin Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chuẩn bị về khả năng đơn phương tấn công Syria trong bối cảnh Anh, đồng minh thân cận của Mỹ và một số nước sẽ không tham chiến cùng Mỹ. Trong khi đó, Syria cũng đã chuẩn bị cho kịch bản Mỹ tấn công nước này.

        Bảo vệ lợi ích tối cao

Theo người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest, dù việc thành lập một liên minh quốc tế gặp khó khăn, Tổng thống Obama vẫn quyết tâm và sẵn sàng cho kế hoạch tấn công đơn phương Syria để bảo vệ các lợi ích tối cao của Mỹ. Các quan chức hàng đầu Washington đã có cuộc điện đàm kéo dài hơn 90 phút với các nghị sĩ nước này để thuyết phục về cái mà Mỹ gọi là chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học ngày 21-8 vừa qua. Việc sử dụng vũ khí hóa học được Washington xem là mối đe dọa nghiêm trọng với an ninh quốc gia Mỹ. Ông Obama cũng đã chính thức lên tiếng giải thích với người dân Mỹ về lý do Mỹ có thể phát động một cuộc chiến tranh mà ông mô tả là để cảnh cáo chính quyền của Tổng thống al-Assad. Đây là một dấu hiệu khẳng định rõ chủ trương can thiệp bằng vũ lực của Chính phủ Mỹ vào Syria.

Tuy nhiên, nghị sĩ của cả 2 đảng hiện đều yêu cầu chính quyền Tổng thống Obama cần phải đưa ra các chứng cứ xác thực về sự liên quan của chính quyền Syria với vụ tấn công bằng vũ khí hóa học. 140 thành viên Hạ viện Mỹ đã đồng ký tên vào một bức thư kêu gọi ông thực hiện đúng trách nhiệm Tổng thống quy định trong Hiến pháp Mỹ, theo đó thảo luận và chờ sự chấp thuận của Quốc hội trước khi đưa ra quyết định tấn công quân sự Syria. Quốc hội Mỹ, hiện đang trong kỳ nghỉ mùa Hè, sẽ bắt đầu trở lại làm việc từ ngày 9-9.

Trước những động thái của Mỹ, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã trao đổi với Tổng thống Obama, yêu cầu các cường quốc không vội vã tấn công Syria cho đến khi nhóm thanh sát viên của LHQ hoàn tất công việc. Ngày 30-8, đoàn chuyên viên LHQ đã lần thứ 2 tới địa điểm xảy ra vụ tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học. Ông Ban Ki-moon cho biết nhóm thanh sát LHQ sẽ rời Syria ngày 31-8 và sau đó sẽ phúc trình kết quả điều tra.

Cũng có một số nguồn tin tại Mỹ và Nga tiết lộ rằng ông Obama đang tìm cách làm chậm kế hoạch tấn công Syria để “câu giờ” cho Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kết thúc các cuộc đàm phán bí mật với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov nhằm đạt thỏa thuận. Theo đó, Mỹ sẽ giảm bớt hành động quân sự chống chính quyền Damacus và chỉ tấn công chiếu lệ, sau đó lãnh đạo 2 nước thông báo tổ chức hội nghị Geneva-2 để thực hiện giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria và chấm dứt cuộc nội chiến.

Đoàn thanh sát viên LHQ lấy các mẫu xét nghiệm tại hiện trường ở ngoại ô thủ đô Damascus.

Đoàn thanh sát viên LHQ lấy các mẫu xét nghiệm tại hiện trường ở ngoại ô thủ đô Damascus.

        Sẵn sàng đáp trả

Tổng thống Syria al-Assad tuyên bố nước này sẽ tự bảo vệ mình chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào từ bên ngoài, đồng thời cho rằng các lời đe dọa phát động một chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria sẽ chỉ làm tăng thêm lập trường kiên định và độc lập của quốc gia Trung Đông này. Thủ tướng Syria Wael al-Halqi cũng nói Damascus sẽ huy động các nguồn lực quốc gia để đối phó với mọi tình huống và làm thất bại âm mưu của kẻ thù. Ông al-Halqi cho rằng Syria đang phải đối mặt với một cuộc chiến toàn diện trên các mặt trận quân sự, truyền thông, kinh tế và tình báo, đồng thời khẳng định các mối đe dọa sẽ làm cho người dân nước này quyết tâm hơn.

Người dân Syria thì đã có những chuẩn bị cho cuộc chiến có thể xảy ra nay mai. Tại các cửa hàng ở thủ đô Damascus, bánh mì, các thực phẩm khô, đóng hộp cháy hàng. Nước uống đóng chai và pin cũng là sản phẩm được tìm mua số lượng lớn. Nhiều người đã rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Không chỉ có Syria, các quốc gia láng giềng như Israel và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp Mỹ tấn công Syria. Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng, trong khi đó Israel đã huy động quân dự bị và củng cố hệ thống phòng thủ đề đề phòng tên lửa từ Syria và Lebanon tấn công nước này. Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt đã được triển khai tại thủ đô Tel Aviv.

Hãng thông tấn ITAR-TASS cho biết Nga phản đối mọi nghị quyết của HĐBA LHQ cho phép tấn công quân sự nhằm vào Syria. Trong khi đó, Đức và ít nhất 12 nước thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khẳng định không tham gia chiến dịch quân sự chống Syria. Hiện chỉ có Pháp - một đồng minh thân cận của Mỹ ủng hộ, tuyên bố quyết tấn công Syria.

1 giờ sáng (ngày 31-8, giờ Việt Nam), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cho công bố một bản báo cáo cáo buộc cái gọi là Chính phủ Syria sử dụng vũ khí chứa chất độc hóa học giết hại 1.429 người trong vụ tấn công ngày 21-8. Ông Kerry mô tả đây là “tội ác không thể tưởng tượng nổi”.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

BÊN LỀ

Quyết định số phận bầu cử Đức

Báo Độc lập (Nga) ngày 29-8 đã đăng bài viết với tựa đề “Người Đức không muốn dính dáng tới chiến tranh ở Syria” và ví von rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel đang mắc kẹt giữa một bên là đề nghị của NATO muốn Đức ủng hộ NATO can thiệp quân sự vào Syria và bên kia là các cử tri Đức phản đối can dự vào cuộc nội chiến ở nước này. Theo tạp chí Der Spiegel, nỗ lực tái tranh cử nhiệm kỳ thứ 3 của bà Merkel có thể gặp nguy hiểm nếu bà quyết định can thiệp quân sự vào Syria. Còn nhớ, năm 2002, khi Mỹ đang ráo riết chuẩn bị cho cuộc tấn công Iraq vào mùa xuân năm sau, Thủ tướng Đức lúc đó là Gerhard Schroder đã không ngần ngại quyết định “không tham gia vào cuộc chiến của Mỹ ở Iraq”, đẩy quan hệ Berlin-Washington vào tình cảnh sóng gió. Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau khi đưa ra quyết định đó, ứng cử viên chức thủ tướng của đảng Dân chủ xã hội (SPD) này đã tái đắc cử, giành được số phiếu sít sao trước ứng cử viên của Liên minh dân chủ/xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) bảo thủ Edmund Stoiber.

Phép thử cho Tổng thống Iran

Tờ Financial Times dẫn lời một số chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng ở Syria là phép thử sớm đối với chính phủ theo đường lối ôn hòa của tân Tổng thống Iran Hassan Rowhani. Giới quan sát nhận định Iran ngần ngại tham gia trực tiếp vào vấn đề Syria và khiêu khích cộng đồng quốc tế vì nước này hiện đang có quá nhiều việc phải giải quyết. Kinh tế Iran đang nặng gánh với tỷ lệ lạm phát tăng và thất nghiệp trong thanh niên cao. Đồng nội tệ rial của nước này đã mất giá tới 50% trong vòng một 1 qua. Ông Sadegh Zibakalam, nhà phân tích chính trị Iran, cho rằng phản ứng của các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo Iran đối với bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào Syria sẽ chỉ là những lời lên án chứ Iran sẽ không can thiệp trực tiếp hay gián tiếp, trừ khi Mỹ muốn chiếm đóng Syria.

Vũ khí hóa học tại Syria không hoàn toàn chắc chắn

Hãng AP dẫn nguồn tin từ các quan chức tình báo Mỹ cho biết, những tin tức cho rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad hoặc những nhân vật chủ chốt trong chính phủ của ông có liên quan tới vụ tấn công được cho là có sử dụng vũ khí hóa học ngày 21-8 chưa được khẳng định chắc chắn. Hiện vẫn còn những nghi ngờ rằng liệu có phải ông Assad đã ra lệnh thực hiện vụ tấn công này hay không. Nhiều quan chức Mỹ đã ám chỉ tới vụ việc năm 2002 khi giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) lúc đó là ông George Tenet khăng khăng cho rằng các tin tức tình báo thu thập được cho thấy chắc chắn Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nhưng hóa ra, những tin tức tình báo đó đã sai.

- Thông tin liên quan:

>> Kêu gọi tấn công Syria là “thách thức” LHQ

Tin cùng chuyên mục