Mỹ: Dỡ bỏ lệnh trừng phạt với bốn tổ chức Nga

Mỹ: Dỡ bỏ lệnh trừng phạt với bốn tổ chức Nga
  • Thủ tướng Anh David Cameron: Anh vẫn không tham gia đồng tiền chung euro

(SGGPO).- Hãng AFP sáng nay đưa tin, theo thông báo của Công báo Liên bang Mỹ (Federal Register), chính phủ nước này quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với 3 tổ chức và 1 tập đoàn Nga gồm: Đại học Công nghệ Hóa Dmitri Mendeleyev, Học viện Hàng không Mátxcơva, Cơ quan Thiết kế Thiết bị Tula và Tập đoàn buôn bán vũ khí Rosoboronexport. Đây là những tổ chức từng bị cáo buộc hỗ trợ các nỗ lực của Iran trong việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa.

Học viện Hàng không Mátxcơva

Học viện Hàng không Mátxcơva

Quyết định này được đưa ra chỉ một ngày sau khi chính quyền của Tổng thống Obama bày tỏ hoan nghênh trước những động thái cứng rắn của Mátxcơva đối với chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Iran.

Nga đã tạm hoãn việc cung cấp tên lửa S300 cho Iran, đồng thời bày tỏ sự đồng tình với các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran do Mỹ khởi xướng. Trước đó, vào tháng 1, chính quyền Tổng thống Obama đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào hai tổ chức Nga khác là Glavkosmos và Đại học Kỹ thuật Baltic.   

* Theo BBC, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến nước Pháp hôm 20-5, với cương vị Thủ tướng Anh, người đứng đầu chính phủ liên minh giữa 2 đảng Bảo thủ và đảng Dân chủ tự do David Cameron nói trong cuộc gặp gỡ với tống thống Pháp Nicolas Sarkozy: “Nước Anh đã đúng đắn khi không tham gia đồng tiền chung euro và có quyền đứng ngoài đồng tiền chung euro”.

Mặc dù vậy, trong cuộc họp báo ở Paris, Thủ tướng David Cameron cho biết nước Anh sẽ tích cực chung tay cùng với các quốc gia khác bình ổn lại vấn đề nợ ở châu Âu hiện nay đồng thời nhanh chóng hành động để giảm thâm hụt tài chính của nước này. Tuy nhiên, vì không phải là thành viên nên nước Anh sẽ không chịu chi phí cho bất kỳ gói cứu trợ nào cho các quốc gia sử dụng đồng tiền chung euro.

Hiện tại, các lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực khôi phục lại uy tín của đồng euro vốn đã bị ảnh hưởng do khủng hoảng nợ công của Hy Lạp và một số nước khác trong khu vực 16 nước sử dụng đồng tiền chung euro.

N. Phương - Ngọc Khanh (theo BBC)

Tin cùng chuyên mục