Ngày 7-5, Liên minh châu Âu (EU) đã nhanh chóng thông qua trọn gói đề án lập pháp nhằm tăng cường an toàn thực phẩm trong bối cảnh châu lục này vừa chứng kiến nạn thịt ngựa giả thịt bò - vụ bê bối thực phẩm lớn nhất lịch sử. Mới đây, tại Pháp cũng đang xuất hiện những nghi ngờ về một vụ bê bối thực phẩm mới xuất phát từ quy trình nuôi vịt nhiễm bệnh bằng kháng sinh liều cao để lấy gan béo, một loại sản phẩm rất được ưa chuộng ở châu Âu. Sản xuất thực phẩm là ngành sản xuất lớn thứ hai châu Âu, đạt giá trị sản phẩm 750 tỷ EUR/năm.
Nếu như theo EU, các vụ bê bối thực phẩm lọt sổ là vì một số điều đã không còn thích ứng với đòi hỏi của tình hình mới thì các vụ bê bối thực phẩm tại Mỹ dường như là nạn nhân của thời ngân sách eo hẹp. Mới tháng trước, dưa chuột nhiễm khuẩn salmonella từ Mexico khiến ít nhất 73 người ở 19 bang trên toàn nước Mỹ phải cấp cứu. Trong 2 năm qua, nước Mỹ đã xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc liên quan đến thực phẩm nhập khẩu như hạt thông Thổ Nhĩ Kỳ, đu đủ Mexico và dưa đỏ Guatemala. Năm ngoái, gần 15.000 tấn thịt bò nhiễm độc từ Canada đã vào các siêu thị Mỹ trước khi bị phát hiện và bị chặn tại biên giới.
Theo các chuyên gia an toàn thực phẩm, cơ quan chịu trách nhiệm an toàn thực phẩm không đủ nguồn lực để kiểm tra lượng thực phẩm nhập khẩu khổng lồ mỗi năm vào Mỹ. Theo New York Times, tính đến nay, ngân sách cho khâu kiểm tra này đã giảm 18% kể từ năm 2010, còn quy trình kiểm tra các nhà máy sản xuất thực phẩm nước ngoài đã giảm từ 32 nước xuống còn 10 nước. Quy trình kiểm tra sẽ không tiến hành với tất cả các nước xuất khẩu mà chỉ tập trung vào những nước thường có vấn đề an toàn thực phẩm. Thực phẩm nhập khẩu từ các quốc gia có quy định an toàn tương đối nghiêm ngặt như Australia, Canada và New Zealand, sẽ được kiểm tra hai hoặc ba năm một lần. Năm ngoái, khi chính quyền TP Montana dừng một lô hàng chở thịt bò nhiễm khuẩn E.coli từ Canada. Đây là một trong những vụ thu hồi thực phẩm bẩn lớn nhất lịch sử Canada và cũng là hồi chuông cảnh báo hậu quả của việc loại bỏ khâu kiểm tra thực phẩm Canada tại biên giới.
Cách đây 2 năm, sau khi một trong những vụ bùng phát thực phẩm nhiễm khuẩn tồi tệ nhất nước Mỹ xảy ra, Tổng thống Obama đã ký Luật An toàn thực phẩm, yêu cầu Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) tăng cường kiểm tra thực phẩm và các nhà máy chế biến thực phẩm nước ngoài. Tuy nhiên, luật này lại không tăng kinh phí cho công tác tăng cường thanh tra. Hiện FDA chỉ có thể kiểm tra 2,3% trong 10,4 triệu lô hàng nhập khẩu hàng năm. Hầu như mỗi năm, cơ quan này chỉ thanh tra khoảng 1.000 trong số hơn 250.000 nhà máy sản xuất thực phẩm nước ngoài cung cấp hàng cho Mỹ. Các quan chức FDA khẳng định họ đã nỗ lực hết sức nhưng không thể có được tiến triển nào khi mà Quốc hội không thông qua ngân sách đề xuất 3 tỷ USD/năm cho cơ quan này. Mặc dù hồi tháng 3, chính phủ đồng ý chi thêm 40 triệu USD, nhưng như thế không thấm vào đâu.
Hạnh Chi