Mỹ dùng “cây gậy và củ cà rốt” với CHDCND Triều Tiên

Đưa củ cà rốt
Mỹ dùng “cây gậy và củ cà rốt” với CHDCND Triều Tiên

Đe dọa CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên) bất thành, Mỹ dường như đang muốn giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên nhằm dành thời gian giải quyết những khó khăn khác đang phải đối mặt.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong buổi lễ duyệt binh hôm 15-4.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong buổi lễ duyệt binh hôm 15-4.

Đưa củ cà rốt

Hãng tin Ria-Novosti dẫn lời Giám đốc chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ, Thiếu tướng Patrick O’Reilly, cho biết tên lửa đạn đạo của Triều Tiên còn rất lâu mới có khả năng đe dọa Mỹ. Theo ông O’Reilly, vụ phóng vệ tinh thất bại mới đây của Triều Tiên cho thấy chương trình vũ trụ của Bình Nhưỡng chưa đạt được tiến bộ nào. Đánh giá của ông O’Reilly khiến dư luận đặt ra nghi vấn về mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ từ tên lửa tầm xa của Triều Tiên.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã kêu gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thực hiện các biện pháp cải cách và cho rằng ông Kim Jong-un có cơ hội đi vào lịch sử bằng việc chấm dứt tình trạng cô lập kéo dài đối với Bình Nhưỡng.

Trả lời phỏng vấn CNN, bà Clinton nhấn mạnh: “Là một thanh niên trẻ tuổi với tương lai phía trước, ông Kim Jong-un hãy là nhà lãnh đạo có thể đưa Triều Tiên tiến vào thế kỷ 21”. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney cũng khẳng định con đường để Triều Tiên thoát khỏi sự cô lập vẫn để ngỏ, nếu Bình Nhưỡng từ bỏ các tham vọng hạt nhân.

Sau khi Bình Nhưỡng phóng thử vệ tinh ngày 13-4, Charles Crawford, chuyên gia từng làm việc tại Văn phòng đối ngoại và khối thịnh vượng chung của Anh, cho rằng Mỹ đang sử dụng chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt” với Triều Tiên.

Theo ông Crawford, đây là một lựa chọn không thể khác hơn khi Mỹ chuẩn bị bầu cử tổng thống. Ông Obama chắc chắn rất muốn xử lý vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng một cách mềm mỏng hơn. Trong khi đó, 2 cuộc chiến kéo dài tại Iraq và Afghanistan cộng với cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra không cho phép chính phủ Mỹ tại thời điểm này có kế hoạch cho một cuộc chiến quy mô lớn. Vì vậy, Mỹ đang tìm cách kéo Triều Tiên quay lại vòng đàm phán 6 bên để tránh căng thẳng leo thang trong khu vực, đảm bảo an ninh tại khu vực.

Nhưng... không quên cây gậy

Những ngày qua, nhiều chuyên gia Mỹ đã lên tiếng quan ngại về việc Triều Tiên sẽ tiến hành thử hạt nhân lần 3. Đây là một động thái nhằm nhắc nhở các đồng minh Mỹ phải để mắt đến Triều Tiên. Mỹ sử dụng quân đội và các lợi thế về kỹ thuật để giám sát chặt chẽ tình hình Triều Tiên, đồng thời duy trì quan hệ đồng minh thân cận để tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á. Chính vì vậy, Mỹ vẫn duy trì được sức ép đều đặn đối với Triều Tiên.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 19-4 cho biết nước này đã triển khai các tên lửa hành trình mới có khả năng phá hủy những mục tiêu như các căn cứ tên lửa và hạt nhân ở bất cứ khu vực nào trong lãnh thổ Triều Tiên. Thiếu tướng Shin Won-sik tin tưởng rằng quân đội Hàn Quốc đủ khả năng và sẵn sàng trừng trị nghiêm khắc và thẳng tay những vụ khiêu khích của Triều Tiên. Theo hãng tin Yonhap, tên lửa hành trình mới của Hàn Quốc có thể đạt tầm bắn hơn 1.000km.

Cùng ngày, hãng tin Kyodo (Nhật Bản) dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết Nhật Bản đã trình danh sách các cá nhân và tổ chức của Triều Tiên bị áp đặt lệnh trừng phạt lên một ủy ban của LHQ có nhiệm vụ giám sát các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.

Đỗ Văn (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục