Mỹ giảm vị thế ở “sân sau”

Không được hưởng lợi từ TIAR
Mỹ giảm vị thế ở “sân sau”

Ecuador rút khỏi TIAR

Tân Hoa xã ngày 6-2 đưa tin Tổng thống Ecuador Rafael Correa đã ký sắc lệnh rút khỏi Hiệp ước hỗ tương liên Mỹ (TIAR), vốn được Mỹ thúc đẩy trong thời kỳ Chiến tranh lạnh để bảo vệ các lợi ích địa chính trị của Washington tại khu vực.

Hội nghị thượng đỉnh EU - Mỹ Latinh, diễn đàn quan trọng về hợp tác 2 bên.

Hội nghị thượng đỉnh EU - Mỹ Latinh, diễn đàn quan trọng về hợp tác 2 bên.

Không được hưởng lợi từ TIAR

Đây là bước đi tiếp theo của Chính phủ Ecuador sau thông báo tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) ở Cochabamba (Bolivia) năm 2012, khi ông Correa thông báo quyết định của Quito rút khỏi hiệp ước. Ngày 21-1 vừa qua, Quốc hội Ecuador đã ra nghị quyết thông qua đề xuất trên của chính phủ. Bộ Ngoại giao giao Ecuador ngày 5-2 nhấn mạnh quyết định rút khỏi TIAR là một bước đi của Ecuador hướng tới xây dựng một học thuyết an ninh và phòng thủ toàn châu lục phù hợp với thực tế mới của thế giới, phục vụ mục tiêu xây dựng một trật tự thế giới công bằng và bình đẳng hơn, đồng thời thúc đẩy quan hệ hòa bình giữa các nước.

Hơn thế, theo Tổng thống Correa, việc Mỹ đi ngược lại những cam kết khi thúc đẩy TIAR là nguyên nhân khai tử hiệp ước này. Ra đời năm 1947 tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil) và có hiệu lực từ năm 1948, hiệp ước có mục đích bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp một nước châu Mỹ bị tấn công quân sự từ bên ngoài châu lục. Tuy nhiên, khi xảy ra một cuộc gây hấn thật sự nhằm vào một nước Mỹ Latinh, như trường hợp Anh tấn công Argentina năm 1982, Mỹ đã không thực hiện hiệp ước. Thay vì bảo vệ Buenos Aires, Washington đứng về phía đồng minh ngoài châu lục. Bên cạnh đó, Ecuador còn tố cáo Washington sử dụng TIAR để can thiệp quân sự tại Guatemala năm 1954, tại Panama năm 1964, tại Cộng hòa Dominicana năm 1965 và cô lập Cuba tại các diễn đàn khu vực từ năm 1962.

Trước đó, đã có 4 nước thông báo rút khỏi hiệp ước trên là Mexico (năm 2002), Nicaragua (2012), Bolivia (2012) và Venezuela (2013) vì cho rằng đây là cơ chế lỗi thời. Không chỉ phê phán TIAR, các nước cánh tả tại Mỹ Latinh còn chỉ trích các thể chế bảo vệ nhân quyền của OAS vì chỉ phục vụ lợi ích bá chủ của Washington.

Giảm thiểu ảnh hưởng

Không chỉ muốn “ly khai” về quân sự, các nước cánh tả Mỹ Latinh còn muốn tách Mỹ khỏi phương diện kinh tế. Cuối năm 2013, Hội nghị cấp cao bất thường lần thứ 2 giữa Liên minh Bolivar cho các dân tộc châu Mỹ (Alba) và Tổ chức liên kết năng lượng vùng Caribbean (Petrocaribe) đã thông qua đề xuất thành lập khu vực kinh tế chung giữa 2 khối liên kết theo đường lối cánh tả này. Đề xuất này được đưa ra với ý tưởng mở rộng không gian kinh tế đó ra Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur).

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro khẳng định việc thành lập khu vực kinh tế này là một trong những sự kiện quan trọng nhất đang diễn ra tại Mỹ Latinh, đồng thời cho biết khu vực kinh tế này nhằm tạo ra một sự phát triển thật sự công bằng, bình đẳng và bổ sung lẫn nhau, khác với các khu vực được thành lập theo hiệp định thương mại tự do do “đế quốc” thúc đẩy (ám chỉ Khu vực thương mại tự do châu Mỹ (FTAA) do Mỹ đề xuất nhưng không được ủng hộ).

Mỹ Latinh hiện đang nỗ lực tìm kiếm các đối tác kinh tế mới để giảm thiểu tầm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực. Trung Quốc là một đối tác như vậy. Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribbean (CEPAL) thuộc LHQ cho biết vào năm 2015, Trung Quốc sẽ thay thế Liên minh châu Âu (EU) trở thành điểm đến quan trọng thứ 2 cho hàng hóa Mỹ Latinh, chỉ sau thị trường Mỹ. Số liệu chính thức của CEPAL cho thấy trao đổi thương mại giữa Mỹ Latinh và Trung Quốc tăng tới 21 lần trong giai đoạn 2000 - 2012.

Còn với EU, hiện khối này là nhà đầu tư lớn nhất, đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Mỹ Latinh, với trao đổi mậu dịch 2 chiều lên đến hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Mặc dù Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng cam kết tăng cường quan hệ thương mại giữa Mỹ và khu vực Mỹ Latinh là một trong những trọng tâm mà ông quan tâm, nhưng trước những diễn biến mới này có thể thấy Mỹ đang mất dần chỗ đứng của mình tại khu vực từng được xem là sân sau của Mỹ.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục