Trừng phạt tới cùng
Quy trình đảo ngược này cho phép bất kỳ nước nào trong nhóm P5+1 tham gia ký thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran có quyền đề xuất áp lại các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Tehran nếu như nước này không tuân thủ các điều khoản đã nhất trí trong thỏa thuận. Sau khi nhận được đề nghị chính thức của Mỹ, các nước thành viên còn lại trong Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ sẽ có 10 ngày để đưa ra quyết định có chấp thuận hay không. Trong trường hợp các bên không nhất trí được, các lệnh trừng phạt Iran sẽ tự động được kích hoạt sau 30 ngày kể từ khi Mỹ chính thức đưa ra đề nghị.
Trong thư chuyển tới nước Chủ tịch luân phiên của HĐBA trong tháng 8 là Indonesia, Ngoại trưởng Pompeo thông báo về việc Iran không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân 2015, là nguyên nhân khiến Mỹ quyết định khởi động “quy trình đảo ngược”. Hồi tháng 5-2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng chính phủ của Tổng thống Donald Trump vẫn cho rằng họ có quyền khởi động cơ chế này. Theo người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Morgan Ortagus, Washington không chỉ muốn tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt Iran mà còn yêu cầu Tehran phải ngừng tất cả các hoạt động liên quan tới làm giàu uranium.
Quy trình đảo ngược là điều khoản được Mỹ thòng vào thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), quy định các thành viên được quyền yêu cầu LHQ khôi phục các lệnh cấm vận với Iran nếu phát hiện nước này vi phạm thỏa thuận. Việc kích hoạt này được coi là động thái quyết liệt nhất của Mỹ nhằm trừng phạt Iran tới cùng, sau khi HĐBA LHQ khước từ đề xuất gia hạn lệnh cấm vận vũ khí với Tehran do Mỹ đưa ra. Là một thành viên thường trực của HĐBA, Mỹ có quyền phủ quyết bất cứ nghị quyết nới cấm vận nào với Iran, khiến không ai có thể cản được cơ chế trừng phạt.
Tạo đà bầu cử
Việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt với Iran có thể là ví dụ sinh động nhất cho thấy Mỹ đang tự cô lập mình với thế giới như thế nào, thay vì cô lập Tehran như mục tiêu mà Washington đã đặt ra, giới chuyên gia đánh giá.
Gần như các bước đi mà Tổng thống Donald Trump đã thực hiện trong nỗ lực phá bỏ JCPOA đều vấp phải sự phản đối từ nhiều phía, kể cả những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Âu. Anh, Đức và Pháp cùng ngày ra tuyên bố chung khẳng định sẽ không ủng hộ yêu cầu tái áp đặt lệnh trừng phạt Iran do Mỹ đề xuất, cho rằng Washington không có quyền pháp lý để kích hoạt cơ chế trên vì đã rút khỏi JCPOA từ năm 2018.
Vấn đề lớn hơn là ngay cả khi lệnh trừng phạt được kích hoạt, Mỹ sẽ đối mặt với tình thế không đồng minh nào sẵn sàng thực thi các biện pháp trừng phạt lên Iran. Điều đó không chỉ làm suy yếu quyền lực quốc tế của Mỹ mà còn chỉ đường cho các đối thủ lách những quyết định mà LHQ đưa ra trong tranh chấp toàn cầu tương lai. Theo giới quan sát, Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Pompeo sẽ làm mọi thứ có thể để một lần nữa ngăn Iran tiếp cận thị trường vũ khí quốc tế. Với phe chỉ trích chính quyền, đây là biểu hiện không thể chối cãi của chính sách nước Mỹ trên hết mà ông Donald Trump theo đuổi. Việc tăng tốc các bước đi vào thời điểm hiện nay được kỳ vọng không chỉ tạo lợi thế để Mỹ giành được chiến thắng mang tính biểu tượng tại cuộc họp Đại hội đồng LHQ vào cuối tháng 9 tới, mặt khác còn tạo đà quan trọng để ông Donald Trump bước vào cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif chỉ trích hành động kích hoạt “quy trình đảo ngược” là bất hợp pháp. Theo ông M.J.Zarif, hành động trên của Mỹ sẽ “gây ra những hậu quả nguy hiểm” đối với luật pháp quốc tế cũng như tổn hại cho các cơ chế quốc tế và làm mất uy tín của HĐBA LHQ. |