Mỹ Latinh đương đầu với tham nhũng

Hàng loạt vụ bê bối tại các nước Nam Mỹ đã làm chao đảo nhiều chính phủ trong khu vực vài tháng qua. Trong những tuần gần đây, con trai nữ Tổng thống Chile Michelle Bachelet đã bị buộc tội sử dụng ảnh hưởng của mình trong chiến dịch vay 10 triệu USD làm ăn thu lợi hàng chục triệu USD chỉ sau một vài tuần. Một lãnh đạo lực lượng đối lập cũng bị bắt liên quan đến tập đoàn tài chính lớn nhất của Chile với tội danh gian lận thuế, hối lộ và rửa tiền. Sự giận dữ của công chúng càng tăng thêm khi một công ty khai thác mỏ khổng lồ do Julio Ponce Lerou, người từng là con rể của nhà độc tài Chile Augusto Pinochet bị điều tra về các khoản tài trợ đáng ngờ đối với một loạt nhân vật chính trị. “Tất cả những tiết lộ cùng một lúc đang gây ra sốc”, ông Pablo Collada, Giám đốc tổ chức Công dân thông minh, một tổ chức chủ trương thúc đẩy tính minh bạch trong chính trị nói. Nữ Tổng thống Bachelet từng được dân chúng tín nhiệm rất cao đã phải lên tiếng về “nền văn hóa gây mất lòng tin” đang trỗi dậy sau các vụ bê bối. Bà khẳng định rằng các cơ quan chức năng của Chile đang điều tra các vụ việc, kể cả những người trong gia đình của bà.

Còn tại Brazil, chỉ 3 tháng sau khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai của mình, Tổng thống Dilma Rousseff đang đấu tranh cho sự sống còn chính trị của bà khi công ty dầu khí quốc gia Petrobras bị phanh phui nhiều vụ bê bối hối lộ dẫn đến thất thoát hàng tỷ USD từ khi bà còn là Bộ trưởng Năng lượng. Ở Argentina, nhiều cáo buộc tham nhũng cũng nhắm vào nữ Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner cùng người chồng quá cố và là người tiền nhiệm của bà trong suốt chục năm cầm quyền, mặc dù bà đã lên tiếng bác bỏ.

Nhiều nhà quan sát Mỹ Latinh cho rằng tiến trình dân chủ và cải cách thị trường bắt đầu vào những năm 1980 sẽ hạn chế tham nhũng. Nhưng thực tế ngược lại. Những nhà tài trợ và các chính trị gia ngày càng liên kết chặt chẽ hơn. Tại Brazil, các chính trị gia tranh cử đã dành 4,1 tỷ reais (1,3 tỷ USD) trong các cuộc bầu cử quốc gia và quốc tế năm 2014, mức cao nhất khu vực, không kể chiến dịch tranh cử tổng thống. Luật vận động tài chính còn nhiều sơ hở. Tại Chile, các nhà tài trợ được phép dùng tiền chuyển qua một cơ quan ẩn danh cho các ứng cử viên. Cải cách kinh tế cũng từ việc tư nhân hóa các công ty nhà nước đã gây nên tình trạng làm giàu cho các nhóm thế lực ở Argentina.

Theo tạp chí The Economist, đề kháng với tham nhũng ở Mỹ Latinh có lịch sử lâu dài nhưng thất bại. Tuy nhiên, hiện tại, phong trào chống tham nhũng cho thấy lịch sử sẽ không lặp lại. Việc các công tố viên Brazil điều tra tới cùng các nhân vật liên quan đến những vụ bê bối ở Petrobras cho thấy cơ quan tư pháp của Brazil đang hoạt động hiệu quả. Hiến pháp mới của Brazil, được ban hành vào năm 1988, tăng thêm quyền độc lập cho văn phòng công tố viên nhà nước và tư pháp đến nay bắt đầu phát huy tác dụng. Quốc hội Mexico cũng đang thông qua nhiều cải cách chống tham nhũng đầy hứa hẹn.

Nhiều nước khác đang tiến hành các bước đáng khích lệ. Tổng thống Honduras Juan Orlando Hernández đã ký kết một thỏa thuận với các tổ chức độc lập để “kiểm toán song song” với kiểm toán nhà nước trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và các dịch vụ khác của chính phủ. Tại Peru, các hoạt động chống tham nhũng của sinh viên cũng đã thành công khi phản đối thành công việc bổ nhiệm các ứng cử viên không đủ tiêu chuẩn vào những tòa án hiến pháp và văn phòng thanh tra.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục