Tờ USA Today ngày 17-2 đưa tin, Nhà Trắng đã công bố một dự thảo luật mới về người nhập cư, trong đó cho phép những người nhập cư bất hợp pháp có thể trở thành công dân cư trú hợp pháp tại Mỹ trong vòng 8 năm. Dự thảo luật cho thấy Tổng thống Obama đang thực hiện lời hứa đối với những cử tri nhập cư gốc Latinh và người thiểu số từng bỏ phiếu bầu chọn ông. Sự đồng thuận hiếm hoi của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ về vấn đề người nhập cư, cho thấy nước Mỹ thật sự cần người nhập cư.
Giải quyết bài toán kinh tế
Dự thảo luật mới của Nhà Trắng có đề cập đến một loại visa “nhập cư tương lai” cho 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp đang sinh sống tại nước Mỹ nếu họ vượt qua những kỳ kiểm tra do chính phủ quy định. Dự luật yêu cầu người nhập cư đối mặt với lệnh trục xuất được phép tham gia kiểm tra lý lịch hình sự, gửi thông tin sinh trắc học và nộp lệ phí xin thị thực mới. Bản dự thảo cũng đề cập đến việc giữ chân và thu hút nguồn lao động, đặc biệt nhân lực trong lĩnh vực khoa học, công nghệ cao, kỹ sư và toán học.
Dự thảo luật bước đầu đã giành được hậu thuẫn lớn của nhiều nghị sĩ ở cả hai đảng khi đồng tình với kế hoạch khung rằng sẽ giúp khoảng 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp trở thành công dân Mỹ. Lý giải nguyên nhân có được sự đồng thuận hiếm hoi này, Hãng tin Reuters cho rằng năng suất lao động cao do lao động trí thức nhập cư tạo ra cùng với việc tăng lương cho những người mới được nhập cư hợp pháp sẽ trở thành những nhân tố thúc đẩy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn.
Theo thống kê của Cục Điều tra dân số Mỹ, hiện có khoảng 40 triệu người nhập cư đang sinh sống tại quốc gia này. Số người nhập cư gốc Mexico chiếm 13 triệu người; Trung và Nam Mỹ 9 triệu người; châu Á hơn 10 triệu người... Hiện tại theo ước lượng, khoảng 40% các nhà khoa học tại Mỹ là người nhập cư. Theo Raul Hinojosa-Ojeda, chuyên gia về các chính sách nhập cư của Đại học California, việc hợp pháp hóa sự di trú cho người lao động tại Mỹ sẽ đem về cho đất nước này khoảng 1,5 ngàn tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Động thái này cũng sẽ giúp tăng trưởng thêm 0,8% mỗi năm cho nền kinh tế Mỹ vốn giậm chân tại chỗ ở mức 2% trong những năm gần đây. Đóng góp lớn nhất của người nhập cư vào nền kinh tế Mỹ là mở ra các doanh nghiệp mới.
Theo một nghiên cứu phát triển doanh nghiệp của Kauffman Foundation, người nhập cư có xu hướng kinh doanh cao gấp đôi người Mỹ. Khoảng cách này đã tăng trong 10 năm vừa qua. Người nhập cư là nòng cốt của những công ty Mỹ lớn như Intel, Google, Yahoo!, eBay và rất nhiều hãng khác.
Những trở ngại
Dự thảo luật mới của Nhà Trắng được không ít người ủng hộ, song cũng vấp phải không ít phản đối vì cho rằng người nhập cư đang tước đi các cơ hội việc làm của người Mỹ. Thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida đã chế giễu dự luật nhập cư là một thiếu sót nghiêm trọng và cho biết đáng thất vọng bởi nó lặp đi lặp lại những gì ông gọi là thất bại của pháp luật trong quá khứ. Ông cũng cảnh báo rằng dự luật này sẽ không dễ dàng được thông qua dù nhận được khá nhiều sự đồng tình từ phía nghị sĩ của hai đảng.
Bang Arizona là bang tỏ rõ sự phân biệt với người nhập cư khi ban hành một đạo luật nhập cư gây tranh cãi trên toàn nước Mỹ, trong đó yêu cầu cảnh sát kiểm tra tình trạng nhập cư của những người họ nghi ngờ nhập cảnh trái phép vào Mỹ, đồng thời cho rằng những người đó sẽ bị coi là tội phạm nếu làm việc ở tại bang này. Những người phản đối cho rằng đạo luật này gây chia rẽ tại bang Arizona, trong khi đó những người ủng hộ lại tranh luận sở dĩ bang Arizona phải làm như vậy là do chính quyền liên bang đã không bảo vệ được biên giới trong suốt một thời gian dài.
Theo Kauffman Foundation, vài năm gần đây, do chính sách hạn chế nhập cư theo sau vụ khủng bố 11-9-2001 đang tạo ra hiện tượng “chảy máu chất xám ngược”. Tốc độ đóng góp cho nền kinh tế Mỹ của người nhập cư đã chững lại và có dấu hiệu sụt giảm. Một nghiên cứu năm 2012 của Kauffman chỉ ra tỷ lệ các doanh nghiệp công nghệ cao mới của người nhập cư đã giảm đáng kể ở thung lũng Silicon và chững hẳn ở những địa phương khác ở Mỹ.
THANH HẰNG (Tổng hợp)