Châu Âu e ngại
Theo Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, trong 30 năm qua, INF đã trở thành một trụ cột quan trọng trong cấu trúc an ninh châu Âu. Do đó việc Washington chấm dứt thỏa thuận này có thể tác động tiêu cực tới Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) giữa Nga và Mỹ. Ông James J. Cameron, nhà nghiên cứu tại Khoa nghiên cứu chiến tranh, trường King’s College London, cho rằng quyết định rút lui này của ông Donald Trump sẽ khoét sâu thêm chia rẽ giữa Mỹ và các nước đồng minh NATO vốn đã gặp nhiều sóng gió kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.
Trước nguy cơ nổ ra một cuộc chạy đua vũ trang tương tự thời kỳ Chiến tranh lạnh, nhiều thành viên NATO ở Tây Âu đã bày tỏ mong muốn giữ lại INF. Hành động của giới lãnh đạo châu Âu cho thấy châu Âu không muốn có một cuộc chạy đua vũ trang mới trên lục địa và hầu như không nước nào muốn cho Mỹ triển khai bất kỳ hệ thống tên lửa mới. Nhận định của tờ New York Times cho rằng, tuy đây là “món quà” gửi đến người Nga, nhưng lại khiến châu Âu lo lắng hơn cả vì mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng. Về phía Nga, tuyên bố từ Điện Kremlin cho biết việc Mỹ hủy bỏ các điều khoản của INF buộc Nga phải dùng đến các biện pháp đảm bảo an ninh, trong đó có biện pháp phải khôi phục cân bằng sức mạnh quân sự với Mỹ. Nếu không còn hiệp định ràng buộc hai cường quốc nữa, người châu Âu lo ngại rằng nhiều khả năng lãnh thổ của họ sẽ trở thành bãi chiến trường giữa hai siêu cường khi Mỹ tiến hành chạy đua vũ trang và Nga có hành động đáp trả tương tự.
Đọ sức chiến lược quân sự với Trung Quốc
Trong khi đó, theo Hội đồng an ninh Nga, các cuộc trao đổi giữa giới chức Nga với Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông John Bolton, về INF diễn ra trong bầu không khí xây dựng và thiết thực, khẳng định Mátxcơva sẵn sàng hợp tác với Mỹ để cứu vãn thỏa thuận này. Trong các cuộc gặp riêng rẽ, giới chức Nga - Mỹ cũng đã thảo luận các vấn đề liên quan đến khả năng gia hạn 5 năm Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START), vốn sẽ hết hạn vào năm 2021. Ông Bolton cho rằng, trước khi có tuyên bố chính thức rút khỏi INF, Mỹ sẽ tiến hành tham vấn với các đồng minh ở châu Âu và châu Á.
Theo giới phân tích, dù tuyên bố rút khỏi INF với cáo buộc nhằm vào việc Nga không tôn trọng thỏa thuận, nhưng thực chất, Chính phủ của Tổng thống Donald Trump đang nhằm vào Trung Quốc - quốc gia đang tăng tốc cho hoạt động vũ trang quân sự trong thời gian gần đây. Với quyết định này của ông Donald Trump, Washington muốn đọ sức chiến lược dài hạn với Bắc Kinh trong bối cảnh quan hệ 2 bên không chỉ căng thẳng trong vấn đề thương mại mà cả trong lĩnh vực quân sự. Theo nhận định của tờ New York Times, quyết định rút khỏi INF sẽ cho phép Mỹ đối phó với việc Trung Quốc gia tăng trang bị vũ khí tại Thái Bình Dương. Đặc biệt là tại vùng biển Đông đang có tranh chấp, Trung Quốc đã cho cải tạo, bồi đắp nhiều bãi đá ngầm thành những đảo tiền tiêu quân sự. Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể triển khai các loại tên lửa đạn đạo mà không sợ bị khống chế về số lượng và tầm bắn vì nước này không ký kết INF. Quyết định này của ông Donald Trump sẽ giúp cho quân đội Mỹ tự do phát triển cũng như triển khai các loại vũ khí thông thường và hạt nhân trong khu vực.