Mỹ “thiệt đơn thiệt kép” vì chính phủ đóng cửa một phần

Tính đến ngày 15-1, Chính phủ Mỹ đã đóng cửa một phần trong 25 ngày liên tiếp, khoảng thời gian dài nhất trong lịch sử. Trong đợt đóng cửa lần này, ước tính kinh tế Mỹ thiệt hại 6 tỷ USD, cao hơn mức kinh phí 5,6 tỷ USD mà Tổng thống Donald Trump đề xuất chi cho bức tường biên giới Mỹ - Mexico.

Nội bộ đảng cầm quyền mâu thuẫn

Thái độ cứng rắn và không muốn nhượng bộ phe Dân chủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vấn đề kinh phí xây dựng bức tường biên giới với Mexico - nút thắt quan trọng để Chính phủ Mỹ có thể hoạt động trở lại - đã gây nhiều bất đồng trong chính nội bộ đảng Cộng hòa. Các nghị sĩ hàng đầu của đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đã phản đối ý định của Tổng thống Donald Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm gia tăng sức ép đối với vấn đề trên. Trước đó, Tổng thống Donald Trump cảnh báo, nếu quốc hội không thông qua ngân sách cho bức tường biên giới, ông sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Bên cạnh đó, việc Tổng thống Donald Trump từ chối đề nghị của Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ Lindsey Graham về việc mở cửa chính phủ tạm thời, nhằm tạo điều kiện đàm phán giữa các bên giúp chấm dứt sự bế tắc hiện nay, tiếp tục đẩy mâu thuẫn trong nội bộ đảng Cộng hòa gia tăng. Theo ông Lindsey Graham, nếu các cuộc đàm phán không đạt được tiến triển, khi đó mới nên ban bố một lệnh tình trạng khẩn cấp. Hiện phe Dân chủ kiên quyết từ chối đàm phán cho đến khi nào chính phủ được mở cửa trở lại.

Biểu tình trước khu vực tòa nhà Quốc hội yêu cầu Chính phủ Mỹ mở cửa trở lại
Trong khi đó, người dân Mỹ đã có hàng loạt phản ứng bất bình về tình trạng trì trệ của chính phủ hiện nay. Nhiều cuộc biểu tình nổ ra kêu gọi Tổng thống Donald Trump và đảng Dân chủ đi đến thỏa hiệp cuối cùng. Theo cuộc thăm dò của Đại học Quinnipiac, 56% những người được hỏi đã đổ lỗi cho Tổng thống Donald Trump và giới nghị sĩ đảng Cộng hòa khi Chính phủ phải đóng cửa. Tỷ lệ này phía đảng Dân chủ ở mức 36%. Theo trang tin The Hill, cuộc thăm dò dư luận tiến hành gần đây cho thấy, tỷ lệ không ủng hộ ông Donald Trump đã lên tới 57%.


Đe dọa tốc độ tăng trưởng

Sau khi Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần, 380.000 nhân viên liên bang nghỉ việc không lương và 420.000 người trong các cơ quan chính phủ làm việc không lương đang chật vật với các khoản thanh toán nợ hàng tháng. Các cơ quan giám sát tài chính Mỹ kêu gọi các chủ nợ linh hoạt cho các nhân viên liên bang bị ảnh hưởng và cho họ thêm thời gian để trả các khoản thế chấp và thanh toán tín dụng.

Theo giới chuyên gia kinh tế, tình trạng Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần không chỉ khoét sâu thêm những mâu thuẫn giữa các nghị sĩ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, mà còn đang gây thiệt hại cho nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Hầu hết các nhà kinh tế dự báo rằng tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý đầu năm 2019 sẽ sụt giảm. Các nghiên cứu cho rằng, cứ thêm mỗi tuần một phần chính phủ đóng cửa, tốc độ tăng trưởng của cả quý sẽ giảm từ 0,05% - 0,1%. Điều này đồng nghĩa với việc tốc độ tăng trưởng GDP của cả quý 1 sẽ giảm từ 0,1% - 0,2%. Dựa vào các nghiên cứu trên, nhà kinh tế học Daniel Silver của tổ chức tài chính JPMorgan đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ quý 1 năm 2019 từ 2,25% xuống còn 2%.

Trong khi đó, người đứng đầu của tổ chức tư vấn nghiên cứu kinh tế Pantheon Macroeconomics, ông Ian Shepherdson, cảnh báo, nếu tình trạng này kéo dài cho tới hết tháng 3, tác động đối với các nhà thầu và các doanh nghiệp liên bang sẽ còn nghiêm trọng hơn nhiều. Bên cạnh dự đoán tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ sẽ giảm trong quý 1, một số nhà kinh tế của Bank of America còn bày tỏ lo ngại về những tác động tiêu cực khác có thể xảy ra do sự rối loạn chức năng của chính phủ tác động vào tâm lý người tiêu dùng cũng như sự kỳ vọng của người dân Mỹ.

Tin cùng chuyên mục