(SGGPO).- Theo AP, các quan chức an ninh Mỹ và Yemen ngày 1-10 xác nhận tiêu diệt được hai nhân vật khủng bố thuộc Al Qaeda cách thủ đô Sanaa khoảng 140km. Tổng thống Obama ngày càng tỏ ra cứng rắn với những kẻ khủng bố dù phải chịu sức ép bị cáo buộc vi phạm luật pháp, xâm phạm quyền dân sự của công dân Mỹ.
Đòn giáng mạnh vào Al Qaeda
Hai tên khủng bố được xác nhận là Anwar al-Awlaki (40 tuổi) và Samir Khan (hai người khác đi cùng cũng đã thiệt mạng). Trong đó, al-Awlaki được cho là nhân vật quan trọng không kém trùm khủng bố Osama Bin Laden. Theo các quan chức thuộc lực lượng chống khủng bố, điệp vụ lần này cho thấy sự kết hợp thành công của quân đội Mỹ, CIA (Cục Tình báo trung ương Mỹ) và lực lượng an ninh Yemen.
Anwar al-Awlaki là giáo sĩ Hồi giáo cực đoan, bị cáo buộc đã lập âm mưu đánh bom máy bay chở khách của Mỹ ở TP Detroit vào dịp Giáng sinh năm 2009, và là người lãnh đạo Al Qaeda ở Yemen. Al-Awlaki bị tiêu diệt khi đang trên đường di chuyển giữa hai tỉnh Marib và Jawl (miền Bắc Yemen), nơi mà lực lượng an ninh chính phủ được bố trí rất thưa thớt.
Trận không kích trên cũng đã tiêu diệt Samir Khan, một công dân Mỹ gốc Pakistan, phụ trách trang Inspire, tạp chí trực tuyến bằng tiếng Anh của tổ chức Al Qaeda. Samir Khan lớn lên ở khu đô thị Queens (TP New York) và bang Bắc Carolina. Năm ngoái, Samir Khan đã có những câu phát biểu nhạy cảm trên trang Inspire: “Tự hào khi là kẻ phản bội nước Mỹ”… Tên này cũng có hàng loạt bài viết chỉ cách chế tạo bom trên trang tin trực tuyến này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, vụ không kích là đòn giáng chí mạng đến lực lượng Al Qaeda ở Yemen. Ông Obama nhấn mạnh, phải áp dụng tất cả những biện pháp có thể để tiêu diệt mạng lưới khủng bố trên toàn cầu.
Ngoại trưởng Australia Kevin Rudd nói rằng, al-Awlaki là lãnh đạo tinh thần của lực lượng Al Qaeda ở bán đảo Arab, chịu trách nhiệm cho việc khơi dậy phong trào cực đoan quá khích trên toàn thế giới, đặc biệt qua những bài thuyết giáo trên Internet. Ông Kevin Rudd nhấn mạnh, việc tiêu diệt được al-Awlaki là tin đáng mừng nhưng không có nghĩa là mối đe dọa khủng bố được loại trừ.
Rào cản pháp lý?
Năm 2009, Anwar al-Awlaki bị báo tử hụt. Cha của hắn đã gửi đơn kiện chính phủ Mỹ đã vi phạm luật quốc tế và luật pháp Mỹ, xâm phạm quyền dân sự của al-Awlaki. Theo luật pháp Mỹ, al-Awlaki không thể bị sát hại mà chưa bị đưa ra xét xử.
Tuy nhiên, một số quan chức của chính phủ Mỹ cũng cho biết, không hề có sự mâu thuẫn nào về tính hợp pháp hay bất hợp pháp trong việc tiêu diệt al-Awlaki, vì đây là công dân Mỹ đầu tiên có tên trong danh sách “Giết hoặc bắt giữ” của CIA. Theo New York Times, vài tháng trước khi al-Awlaki có tên trong danh sách này, rất nhiều tổ chức, đoàn thể ở Mỹ đã kịch liệt phản đối, trong đó có Tổ chức bảo vệ quyền dân sự của người Mỹ (ACLU).
Theo Washington Post, Bộ Tư pháp Mỹ đã có thông báo bí mật về việc cho phép các cơ quan chức năng, trong đó có CIA “nhúng tay” vào việc tiêu diệt al-Awlaki. Thông báo này được đưa ra sau khi các luật sư tư vấn cấp cao của Tổng thống Obama trình bày những quan ngại về pháp lý trong bối cảnh lực lượng khủng bố đe dọa an ninh quốc gia.
Anwar al-Awlaki được sinh ra ở New Mexico (Tây Nam nước Mỹ), có bố mẹ là người Yemen. Khi còn là sinh viên ở Mỹ, al-Awlaki đã bắt đầu thuyết giáo. Năm 2002, al-Awlaki gặp được một số nhân vật quan trọng từng tham gia gây ra vụ khủng bố ngày 11-9-2001 ở New York. Năm 2004, al-Awlaki trở về Yemen và từ lúc ấy, những bài thuyết giáo của al-Awlaki ngày càng mang tư tưởng chống Mỹ. Những bài thuyết giáo trên Internet của al-Awlaki thời gian gần đây đều liên quan trực tiếp đến hàng loạt vụ khủng bố ở Anh, Australia, Canada… Sau 2 năm bị truy lùng ráo riết, cuối cùng al-Awlaki đã bị tiêu diệt. |
NHƯ QUỲNH