Mỹ - Trung: Cuộc đua lợi ích ngày càng căng thẳng

Kiềm chế lẫn nhau
Mỹ - Trung: Cuộc đua lợi ích ngày càng căng thẳng

Xung đột lợi ích giữa hai quốc gia đối tác - đối thủ cạnh tranh là Mỹ - Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng. Xuất phát từ quyền lợi của quốc gia, từ lĩnh vực kinh tế đến chính trị, hai bên liên tục có những phản ứng đáp trả tức thời. Tuy vậy, các nhà phân tích nhận định đây là mối quan hệ vừa kiềm chế vừa hợp tác và các động thái đều nhằm mục đích bảo vệ lợi ích tối đa của chính họ.

Nhu cầu ống thép hàn carbon đang tăng mạnh ở Mỹ.

Nhu cầu ống thép hàn carbon đang tăng mạnh ở Mỹ.

Kiềm chế lẫn nhau

Tân Hoa xã ngày 25-5 đưa tin sau khi kết thúc cuộc điều tra (thực hiện từ tháng 11 năm ngoái) liên quan đến chính sách hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo của Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, Mỹ đã vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì trợ cấp không công bằng cho các công ty năng lượng tái sinh, vốn có khả năng tạo ra 37.000 việc làm. Bộ này cũng cho rằng đây là cơ hội để Tổng thống Obama ghi điểm với cử tri cho cuộc chạy đua vào Nhà trắng sắp tới.

Thông báo trên của Bộ Thương mại Trung Quốc được đưa ra một tuần sau khi Mỹ quyết định áp đặt thuế chống phá giá đối với các nhà sản xuất pin mặt trời của Trung Quốc. Bộ Thương mại Mỹ cho rằng các sản phẩm này được bán trên thị trường Mỹ với mức giá thấp không hợp lý, vì vậy phải chịu mức thuế chống phá giá từ 31% đến 250%. 

Đây chỉ là động thái mới nhất trong chuỗi xung đột thương mại giữa hai nước trong thời gian qua. Nay được Chính phủ Mỹ đẩy lên cao hơn nhằm mục đích giành lá phiếu cử tri ủng hộ Tổng thống Barack Obama trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Ngoài kiềm chế thương mại, Mỹ, Trung còn mâu thuẫn ở những khu vực trọng yếu trên thế giới, trong đó có vấn đề biển Đông. Phát biểu tại buổi điều trần về Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS, vốn được 160 quốc gia phê chuẩn) trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 24-5, Ngoại trưởng Hillary Clinton nói đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông (yêu sách “đường lưỡi bò”) vượt quá những gì UNCLOS cho phép.

Theo bà Clinton, nếu Mỹ không phê chuẩn UNCLOS thì sẽ không bảo vệ được các đồng minh và các nước đối tác ở biển Đông. Nếu nhìn khách quan sẽ thấy đây là vấn đề bảo vệ lợi ích của Mỹ ở biển Đông.

Vẫn hợp tác

Trong khi kiềm chế lẫn nhau, hai nước vẫn tiếp tục hợp tác cũng vì lợi ích của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Mới đây nhất, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã cho phép Mỹ mua trái phiếu chính phủ trực tiếp từ FED mà không phải mua qua các đại lý ở Phố Wall. Một động thái mở rộng cửa để Trung Quốc tiếp tục cung cấp vốn cho nước này. Hiện Trung Quốc đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ với lượng trái phiếu tương đương 1.700 tỷ USD, và sắp tới sẽ còn mua nhiều hơn nữa.

Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ cũng lần đầu tiên cho phép Trung Quốc mua cổ phần của một ngân hàng Mỹ. Đối với một nước Mỹ đang có nợ công cao hơn GDP và ngấp nghé ranh giới bị hạ tín nhiệm, việc mở cửa đón nhận nguồn vốn dồi dào của Trung Quốc là điều dễ hiểu. Tuy vậy, việc Trung Quốc tiếp tục can dự sâu vào nền kinh tế Mỹ thông qua trái phiếu cũng cho thấy Trung Quốc đang muốn kiềm chế Mỹ.

Từ phía Trung Quốc, hàng hóa Mỹ cũng ngày càng được nhập vào nhiều hơn, vừa phần nào xoa dịu áp lực của Mỹ, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng hóa chất lượng cao của tầng lớp trung lưu đang tăng ở nước này. Thị trường Mỹ dù khó tính và thường bị rào cản bảo hộ nhưng vẫn là một trong những thị trường lớn nhất của Trung Quốc. Rõ ràng, nếu chiến tranh thương mại thật sự bùng nổ, Trung Quốc rất khó khăn để tìm kiếm một thị trường có thể thay thế Mỹ.

Financial Times nhận định: Nhìn chung, các mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn sâu rộng, nhưng hai bên vẫn cần sự hợp tác với nhau trong rất nhiều các lĩnh vực, trong đó có thương mại, an ninh toàn cầu, giải quyết những thách thức trong tương lai… Một quan chức Trung Quốc từng nói: Quan hệ Trung - Mỹ như chiếc xe hơi có hai người lái, cả hai phải hợp tác nếu không chiếc xe chỉ có thể chạy vòng quanh mà không tiến lên được.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục