Mỹ và Anh: “Đạn đã nhắm vào Syria”

Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Mỹ Barack Obama đang đưa phương Tây gần hơn với giải pháp can thiệp quân sự vào Syria sau khi 2 ông cùng lên tiếng cáo buộc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân, đẩy cuộc khủng hoảng vào một giai đoạn mới và khẳng định cần có “phản ứng nghiêm khắc”.
Mỹ và Anh: “Đạn đã nhắm vào Syria”

Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Mỹ Barack Obama đang đưa phương Tây gần hơn với giải pháp can thiệp quân sự vào Syria sau khi 2 ông cùng lên tiếng cáo buộc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân, đẩy cuộc khủng hoảng vào một giai đoạn mới và khẳng định cần có “phản ứng nghiêm khắc”.

        Bộ Quốc phòng Mỹ sẵn sàng

“London tin rằng ông Assad sử dụng vũ khí hóa học cũng như họ đã từng tin rằng Iraq có vũ khí giết người hàng loạt. Lịch sử lặp lại”. Alexei Pushkov, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga.

Theo Guardian của Anh, trong cuộc gọi điện thoại kéo dài 40 phút, 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Anh đã kết luận rằng chế độ Bashar al-Assad phải chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công được cho là đã giết chết khoảng 1.400 người tại thủ đô Damascus hồi tuần trước.

Thủ tướng Anh và Tổng thống Mỹ cho biết đã hết thời gian để Tổng thống Syria Bashar Al-Assad cho phép các thanh sát viên vũ khí của LHQ vào những lĩnh vực đã xảy ra cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, các nguồn tin chính thức từ Chính phủ Anh và Mỹ cho biết 2 nhà lãnh đạo đồng ý rằng tất cả các lựa chọn đều được để ngỏ. Người phát ngôn Chính phủ Anh cho rằng: “Thực tế Tổng thống Assad đã thất bại trong việc hợp tác với LHQ, điều đó cho thấy chế độ của ông Assad có điều gì đó muốn giấu LHQ”.

Cũng theo tờ Guardian, vấn đề càng trở nên nóng bỏng hơn khi Tổ chức Médecins sans Frontières (MSF) cho biết 3 bệnh viện ở Damascus đã tiếp nhận được khoảng 3.600 bệnh nhân có các dấu hiệu thần kinh trong vòng chưa đầy 3 giờ vào sáng 21-8. Trong số những bệnh nhân này, 355 người được cho là đã chết.

Một trong số những nạn nhân của các cuộc tấn công nghi ngờ bằng vũ khí hóa học ở Syria.

Một trong số những nạn nhân của các cuộc tấn công nghi ngờ bằng vũ khí hóa học ở Syria.

Tiến sĩ Bart Janssens, Giám đốc điều hành MSF, cho biết nhân viên y tế làm việc tại 3 bệnh viện trên cung cấp thông tin chi tiết về một số lượng lớn bệnh nhân với các triệu chứng như co giật, sùi nước bọt, mờ mắt và suy hô hấp. Ông cho biết các triệu chứng như vậy cho thấy họ đã “tiếp xúc với chất độc thần kinh và những người sử dụng đã vi phạm pháp luật nhân đạo quốc tế về việc cấm sử dụng các vũ khí hóa học và sinh học”.

Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ và các lực lượng vũ trang Jordan đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng khu vực diễn ra từ 25 đến 27-8 tại Jordan. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey, sẽ đến Jordan cùng với người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, tướng Lloyd Austin và tham mưu trưởng của các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Pháp, Qatar, Canada, Saudi Arabia, Italia và Canada.

Mỹ cũng đã bổ sung 1 tàu khu trục đến Địa Trung Hải, nâng tổng số lên 4, nhiều hơn bình thường 1 chiếc. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết chưa có quyết định sử dụng các tàu chiến trong hoạt động chống Syria. Reuters dẫn lời ông Hagel khi đang thăm Malaysia cho biết Tổng thống Obama đã yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ lập phương án sẵn sàng cho mọi tình huống.

        Người dân Mỹ phản đối can thiệp vào Syria

Chính phủ Syria tiếp tục phủ nhận cáo buộc của phương Tây về việc sử dụng vũ khí hóa học đồng thời cáo buộc lực lượng đối lập sử dụng vũ khí hóa học khi cho biết binh sĩ của họ đã tìm thấy vũ khí hóa học trong đường hầm của lực lượng đối lập. Theo một cuộc thăm dò mới nhất của Reuters/Ipsos, đa số người dân Mỹ cực lực phản đối sự can thiệp của Mỹ vào cuộc nội chiến tại Syria và tin rằng Washington nên đứng ngoài cuộc xung đột, ngay cả khi báo cáo có bằng chứng khẳng định Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học để tấn công thường dân. Khoảng 60% người Mỹ được hỏi nói rằng Mỹ không nên can thiệp vào cuộc nội chiến Syria, trong khi chỉ có 9% nghĩ rằng Tổng thống Barack Obama phải hành động. So sánh với cuộc thăm dò trước đó, số người phản đối Mỹ can thiệp vào Syria tăng mạnh.

Nhiều người dân Mỹ lo ngại Mỹ sẽ lại sa lầy ở Syria như từng sa lầy tại Iraq. Trong khi một số quan chức nước ngoài và Mỹ, nhất là Thượng nghị sĩ John McCain, cho rằng Tổng thống Obama quá do dự trong việc quyết định can thiệp vào Syria, một số người Mỹ được hỏi lại ca ngợi sự thận trọng của ông Obama. Charles Kohls, 68 tuổi, một cựu sĩ quan quân đội Mỹ từ Maryland cho rằng: “Mỹ đóng vai trò cảnh sát trên thế giới quá nhiều và chúng tôi đã buộc phải tới nhiều nơi mà lẽ ra phải là việc của LHQ. Vì thế, tôi nghĩ rằng Mỹ không nên can thiệp vào Syria”.

THỤY VŨ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục