Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được 11 nước tham gia thảo luận vừa có thêm động lực khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công bố Nhật Bản sẵn sàng tham gia đàm phán. TPP mở ra một triển vọng mới về hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai bờ Thái Bình Dương.
Điều kiện tham gia của Nhật Bản
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong chuyến thăm Mỹ ngày 23-2 thông báo với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng Nhật Bản đang chuẩn bị các bước cuối cùng để tham gia đàm phán TPP. Động thái này phản ánh quan điểm của Nhật Bản rằng nước này có thể thuyết phục Mỹ chấp nhận miễn trừ việc loại bỏ thuế một số mặt hàng nhạy cảm khi nhập vào Nhật Bản như gạo và thịt bò. Nhật Bản muốn đưa điều này vào các điều khoản cuối cùng của TPP. Theo Japan Times, Thủ tướng Abe sẽ chính thức công bố Nhật Bản tham gia đàm phán TPP trong một bài phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản do đảng Dân chủ tự do (LDP) của ông và đảng Tân Komeito lãnh đạo vào ngày 28-2 hoặc 1-3.
LDP hy vọng tham gia TPP sẽ giúp Nhật Bản tiếp nhận một dòng sản phẩm nông nghiệp rẻ hơn từ nước ngoài nhưng Chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét các biện pháp hỗ trợ nông dân trong nước. Tuy nhiên, vấn đề còn lại là liệu Tổng thống Obama có chấp nhận yêu cầu của ông Abe hay không. Nếu Washington không chấp nhận, Tokyo có thể chuyển sang một lập trường thận trọng khi tham gia TPP cho dù từ lâu Mỹ luôn mong đợi Nhật Bản tham gia TPP.
Trong chiến dịch vận động bầu cử tháng 12-2012, LDP cam kết rằng Nhật Bản sẽ không tham gia các cuộc đàm phán TPP trừ khi TPP cam kết có một số ngoại lệ trong việc miễn trừ thuế nhập khẩu. Thủ tướng Nhật Bản tỏ ra rất ủng hộ TPP khi nói với Quốc hội nước này rằng ông “sẽ cống hiến tất cả sức lực để bảo đảm lợi ích quốc gia”. Thông qua TPP, Nhật Bản muốn khẳng định tinh thần liên kết kinh tế với đồng minh Mỹ và các nước đối tác thương mại quan trọng.
Để tham gia các cuộc đàm phán, một đất nước tham gia cần phải được sự chấp thuận của tất cả 11 quốc gia hiện đang tham gia đàm phán TPP gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Sau khi tìm sự ủng hộ từ Mỹ, Nhật Bản sẽ tìm thêm sự đồng thuận của 10 nước còn lại.
Đẩy nhanh đàm phán TPP
TPP lúc đầu được các nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore ký vào ngày 3-6-2005, có hiệu lực ngày 28-5-2006. Hiện tại, thêm 7 nước đang đàm phán để gia nhập, đó là các nước Australia, Mexico, Canada, Malaysia, Peru, Mỹ và Việt Nam.
Mục tiêu ban đầu của TPP là giảm 90% các loại thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên trước ngày 1-1-2006 và cắt giảm bằng không tới năm 2015. Đây là một thỏa thuận toàn diện bao quát tất cả các khía cạnh chính của một hiệp định thương mại tự do, bao gồm trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, can thiệp, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ, các chính sách của chính quyền... Nếu có cả Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia, TPP sẽ gồm 13 thành viên, chiếm 40% tổng sản lượng toàn cầu và 30% thương mại thế giới.
Vấn đề khó khăn nhất của các cuộc đàm phán là lĩnh vực nông nghiệp vì nhiều nước không muốn miễn giảm thuế cho các nông sản nhập khẩu, lo ngại ảnh hưởng đến đời sống nông dân. Việc tham gia của Nhật Bản vào TPP được xem là động lực lớn của TPP vì không tính Mỹ, nền kinh tế Nhật Bản lớn hơn nền kinh tế của 10 thành viên khác cộng lại.
Trong năm 2013, các nước tham gia TPP cam kết sẽ đẩy nhanh tốc độ đàm phán để TPP sớm trở thành 11 thành viên. Vào ngày 4-3, Singapore sẽ tổ chức vòng đàm phán đầu tiên về TPP trong năm 2013. Mỹ mong muốn TPP sẽ hỗ trợ xuất khẩu và việc làm của Mỹ trong khi các thành viên khác cũng muốn thông qua TPP, Mỹ sẽ dỡ bỏ nhiều hàng rào thương mại.
Thụy Vũ tổng hợp