Mỹ: Xung đột giai cấp gia tăng

Trung tâm Nghiên cứu các xu hướng xã hội và nhân khẩu học Pew (Mỹ) vừa công bố một khảo sát mới cho hay người dân Mỹ giờ nhận thấy xung đột giai cấp lớn hơn nhiều so với xung đột về nhập cư hay sắc tộc.

Theo đó, 30% số người được hỏi tin rằng có sự “xung đột rất lớn” giữa người giàu với người nghèo. Đây là tỷ lệ cao nhất ghi nhận được kể từ khi vấn đề này được đặt ra vào năm 1987. Cũng theo Pew, 66% “nhận thức” rằng có xung đột “rất lớn” hoặc “lớn” về giai cấp, trong khi “nhận thức” xung đột nhập cư là 62% và xung đột sắc tộc chỉ là 38%.

Xu hướng này đã thay đổi hoàn toàn so với năm 2009 khi mà vấn đề người nhập cư đứng hàng đầu về các yếu tố gây bất ổn xã hội. Vào thời điểm đó, khoảng 55% số người được hỏi đều cho rằng vấn đề nhập cư gây bức xúc, trong khi 47% quan tâm về khoảng cách giàu nghèo. Điều tra mới của Pew cũng chỉ ra rằng số nhóm người bất bình về khoảng cách giàu nghèo cũng gia tăng. 2 năm trước, chỉ có 3 nhóm: người da trắng, trung lưu và độc lập (không theo đảng phái chính trị nào) nhưng giờ đây những người trẻ tuổi, thuộc đảng Dân chủ và người Mỹ gốc Phi đều có chung quan điểm.

Một báo cáo của ĐH Indiana cũng cho thấy từ năm 2007-2009 (quãng thời gian kinh tế Mỹ suy thoái), gần 10 triệu người dân Mỹ đã rơi vào cảnh đói nghèo và con số này sẽ còn tăng thêm trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ hồi phục chậm chạp như hiện nay. Mặc dù kết thúc năm 2011, tỷ lệ người thất nghiệp tại Mỹ đã giảm xuống 8,5% (mức thấp nhất từ năm 2009), rất nhiều người trẻ tuổi vẫn không thể xin được việc làm. Và nếu cứ đà này, số lượng người nghèo mới sẽ tiếp tục tăng cho đến hết năm 2017.

Công bố của Pew được đưa ra 1 ngày sau buổi tranh luận lần đầu tiên giữa các ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa. Trong cuộc tranh luận này, kinh tế chính là vấn đề được quan tâm nhất của cử tri New Hampshire. Cuộc tranh luận sắp tới sẽ diễn ra tại Nam Carolina, nơi hứa hẹn sẽ được hâm nóng bởi vấn đề các công ty cắt giảm việc làm. Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phát động chiến dịch kêu gọi đánh thuế cao hơn vào tầng lớp người giàu có ở Mỹ.

Nhà phân tích khảo sát của Pew, ông Richard Morin, nhận định: “Sự bất bình của người dân đối với phân chia thu nhập và của cải không công bằng được phản ánh qua phong trào Chiếm phố Wall cuối năm 2011 vừa qua. Phong trào đã thể hiện sự thay đổi nhận thức về sự phân chia của cải trong xã hội Mỹ”. Cũng theo ông Morin, trong bối cảnh chiến dịch chạy đua tổng thống đang diễn ra, khoảng cách giàu nghèo chắc chắn là một phần của đối thoại chính trị.

Sau khi giành được phần thắng “yêu cầu chính quyền cho trở lại công viên Zuccotti” ở New York, khoảng 300 người biểu tình ngày 10-1 vừa qua đã lại tề tựu về nơi phát pháo ra phong trào Chiếm phố Wall. Các barrier đã được cảnh sát di dời. Nhiều người từng nghĩ việc cảnh sát trấn áp, dẹp bỏ các lều trại của người biểu tình tại Zuccotti đã đặt dấu chấm hết cho phong trào chống lại sự bất công trong xã hội Mỹ. Tuy nhiên, báo cáo của Pew khẳng định: “Chiếm phố Wall có thể sẽ không còn trong thời gian tới nhưng xung đột giai cấp đã thật sự ăn sâu vào suy nghĩ, ý thức của người dân”.

Đỗ Văn

Tin cùng chuyên mục