

4 vùng trên thế giới, ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất.
Trong số 6.700 ngôn ngữ có mặt trên hành tinh, đến cuối thế kỷ 21 sẽ có phân nửa biến mất, vì rất nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do toàn cầu hóa! Con người có thể cứu vãn? Và tại sao lại phải cứu? Cuộc vận động toàn cầu của UNESCO qua “Năm ngôn ngữ 2008” cho ta hiểu hơn quanh vấn đề này.
Trong số 6.700 ngôn ngữ tồn tại trên thế giới, chỉ khoảng 1.000 đang sống “khỏe mạnh”. Với thời gian lâu dài, nếu không có hành động gì, tất cả tiếng nói của thổ dân sẽ biến mất. Bị đe dọa nặng nề nhất là những ngôn ngữ có ít người sử dụng (20% ngôn ngữ tại châu Mỹ và châu Úc có số người nói dưới… 120), không có chữ viết (trường hợp của hầu hết các thổ ngữ). Nhiều ngôn ngữ thậm chí không được trẻ con sử dụng nữa, do không được bố mẹ dạy bảo.
Dựa vào các phân tích này, Viện Sinh ngữ dành cho ngôn ngữ đang lâm nguy tại Hoa Kỳ đã lập bản đồ 4 điểm nóng. Đó là 4 vùng trên thế giới có nhiều ngôn ngữ nhất, nhưng lại có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất: Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Siberia và Bắc Australia.
Nguyên nhân chết của nhiều ngôn ngữ dân tộc thiểu số
Trước hết là vì người nói…chết! Khi một ngôn ngữ có số người nói quá ít, chỉ cần một thiên tai, hay một trận dịch thì cả cộng đồng sẽ bị biến mất. Chẳng hạn các bộ tộc tại vùng Amazon. Bị bọn đào vàng và khai thác gỗ lậu truy đuổi, người da đỏ chạy về các vùng rừng núi mà họ không biết rõ cây cối và sinh vật, nên bị chết đói. Còn những kẻ chạy đến với người da trắng thì lại mắc bệnh chết do môi trường sống mới, cơ thể không chống chọi được các loại vi trùng lạ.
Năm 1952, Trumai, ngôn ngữ chỉ có một làng tại Brazil sử dụng, sau một trận dịch cúm, chỉ còn sống sót 18 người! Ngày nay, ngôn ngữ này đã biến mất.
Nguyên nhân khác là chính phủ các quốc gia có các dân tộc thiểu số muốn thủ tiêu ngôn ngữ thiểu số. Họ cấm người thiểu số nói tiếng mẹ đẻ, buộc trẻ con học tiếng của dân tộc đa số, bởi cho rằng khi không còn ngôn ngữ riêng, họ sẽ không đòi độc lập và phân chia lãnh thổ.
Tại Australia, trẻ con thổ dân bị tách rời gia đình, phải vào các cô nhi viện, học tiếng Anh và chịu giáo dục theo Kytô giáo. Sách lược này kéo dài hơn 1 thế kỷ, mãi đến những năm 1960 mới được bãi bỏ. Và ngày nay Chính phủ Australia đã phải lên tiếng xin lỗi vì chính sách hủy diệt văn hóa thổ dân.
Thiệt hại khi một ngôn ngữ biến mất

Bà Nora Rigby, người phụ nữ cuối cùng nói tiếng Rama, tại Nicaragua, chết năm 2001.
Vô số kiến thức được tích tụ trong một ngôn ngữ qua hàng chục ngàn năm tiến hóa của các dân tộc. Những hiểu biết độc đáo, vô cùng quý giá. Tiếp xúc chặt chẽ với thiên nhiên, họ hiểu rõ cây cỏ, sinh vật, khí hậu, địa dư trong vùng. Vào thời khí hậu Trái đất nóng dần lên và môi trường bị hủy hoại, y học đang ráo riết tìm kiếm các loại thuốc chữa trị bệnh ngặt nghèo (AIDS, SARS, ung thư…), kiến thức của các bộ tộc có thể rất hữu ích.
Chẳng hạn các dân tộc vùng Amazon biết rất rõ dược tính nhiều loại thảo mộc, đã từng đặt tên và xếp loại chúng theo độc tính và dược tính. Nếu ngôn ngữ biến mất, những kiến thức này mất theo, vì hầu hết họ không có chữ viết để lưu lại.
Các ngôn ngữ này còn lưu giữ quá khứ của các dân tộc qua truyền thống và huyền thoại. Chúng phản ảnh quan điểm về vũ trụ, cái nhìn về cuộc sống và tương lai, rất khác lạ với chúng ta.
Khi một ngôn ngữ biến mất, đó là một phần lịch sử và văn hóa của nhân loại bị xóa sổ. Bởi thế, Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị do LHQ thông qua năm 1966, công nhận mỗi dân tộc có quyền nói ngôn ngữ riêng và truyền lại cho con cái. Và UNESCO, công bố năm 2008 là năm ngôn ngữ, đã tổ chức những chiến dịch cứu nguy các ngôn ngữ thổ dân.
Theo đó, UNESCO đã tổ chức các hoạt động nghiên cứu. Với các ngôn ngữ truyền khẩu, phải tạo cho chúng một hệ thống chữ viết, ghi lại từ ngữ đưa vào tự điển và phân tích văn phạm, rồi ghi lại để biết cách phát âm, như trường hợp tiếng Rama tại Nicaragua.
Tiếng Rama được nhà ngôn ngữ học Colette Grinevald tạo cho hệ thống mẫu tự và tích lũy lại, hiện được giảng dạy cho thổ dân một cách khoa học. Từ nền tảng này, để theo cùng thời đại, chẳng hạn người Inuits tại Nunavut, đã thêm vào các từ mới cho mình, như qulimiguulik, có nghĩa là cái gì đó làm bay tốc gió ở trên đầu, tức… máy bay trực thăng.
Nhưng điều quan trọng nhất để cho một ngôn ngữ tồn tại là người ta phải thích nói. Giáo sư Colette Grinevald nói: “Người ta thường làm cho các dân tộc thiểu số tin rằng ngôn ngữ của họ không nói được những điều thông minh, chẳng có gì hấp dẫn và rất tồi tệ. Sai lầm. Phải làm cho họ biết hãnh diện với ngôn ngữ của mình và muốn truyền đạt lại cho con cháu”.
Cứu nguy

Nhờ nhà ngôn ngữ học Colette Grinevald, tiếng Rama ngày nay có mẫu tự và được giảng dạy cho học trò.
Các ngôn ngữ thiểu số phải chiến đấu vất vả với ngôn ngữ đa số để tồn tại.
Trong 100 ngôn ngữ lớn được 90% dân số thế giới sử dụng thì có 15 giành được hơn phân nửa! Chúng mạnh đến nỗi biến thành ngôn ngữ chính thức tại các xứ có nhiều dân tộc thiểu số, được sử dụng trên các phương tiện truyền thông, tại các trường học và trong các văn bản hành chính của chính quyền.
Ngôn ngữ thiểu số dù được công nhận sự tồn tại, nhưng lại chỉ được phổ biến trong các làng mạc, hay gia đình và các buổi lễ cổ truyền. T
ương lai ngôn ngữ thiểu số còn u ám hơn khi người ta di cư về các thành phố. Họ từ bỏ phong tục của mình và hòa nhập với những người không cùng ngôn ngữ. Bởi thế họ càng ít có cơ hội để sử dụng tiếng mẹ đẻ. Kết quả thổ ngữ dần biến mất.
Ngôn ngữ biến mất càng nhanh trong thời toàn cầu hóa. Internet và nhiều kênh truyền hình xuất hiện tại các vùng khỉ ho cò gáy, phổ biến các cách sống có khuynh hướng giống hệt nhau.
Dù sống ở Siberia, Papouasia hay Mato Grosso, người ta vẫn nghe cùng một loại nhạc, chơi cùng trò game video, chat với nhau qua cùng một ngôn ngữ, mặc cùng một kiểu thời trang… Thế mà các ngôi sao, người hùng lăng xê các mốt không hề nói tiếng Navajo hay Jakaltek.
Với tuổi trẻ, ngôn ngữ thổ dân là “nhà quê”, không thích nghi với xã hội hiện đại. Chẳng có gì ngạc nhiên khi họ đua nhau học tiếng Anh, để giao tiếp với du khách, di cư và thông tin với toàn thế giới.
Đinh Công Thành
(Theo Science & Vie Junior, 5-2008)