Năm 2009: Ưu tiên phát triển công nghệ cao

Đột phá trong quản lý
Năm 2009: Ưu tiên phát triển công nghệ cao

Năm 2008, Sở KH-CN TPHCM được Bộ KH-CN đánh giá là địa phương đi đầu trong cả nước về hoạt động khoa học công nghệ. Đơn vị này đã có nhiều đột phá từ trong cơ chế quản lý cho đến các kết quả nghiên cứu khoa học. Vì vậy, mục tiêu năm 2009 của sở là tập trung những ngành công nghệ cao, đồng thời gắn khoa học với vấn đề đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu kinh tế - xã hội của TP.

Đột phá trong quản lý

Phát biểu tại lễ tổng kết hoạt động nghiên cứu trong năm 2008 của Sở KH-CN, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài đánh giá: Trong năm qua, Sở KH-CN đã tạo được nhiều đột phá từ cách quản lý đến chất lượng các đề tài, dự án khoa học. Nhiều đề tài, dự án có giá trị khoa học cao được nghiệm thu và đưa vào ứng dụng.

Theo chỉ đạo của UBND TP, công tác nghiên cứu khoa học phải phát huy cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ KH-CN gắn kết chặt chẽ với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP. Để thực hiện các yêu cầu trên, sở phải đổi mới cách quản lý, đồng thời đẩy mạnh các chương trình liên kết, hợp tác, tạo bước phát triển đột phá cho hoạt động khoa học.

Đặc biệt, sở đã mạnh dạn áp dụng cơ chế khoán kinh phí NCKH cho các đề tài, dự án để không bó buộc các nhà khoa học trong các quy định tài chính chi tiết. Điều này đã tạo một động lực thúc đẩy các nhà khoa học nhiệt tình và tận tâm hơn với các sản phẩm của mình.

Năm 2009: Ưu tiên phát triển công nghệ cao ảnh 1

Đề tài robot hàn đứng sẽ được Trung tâm thiết kế chế tạo thiết bị mới (Neptech) triển khai sản xuất để cung ứng cho ngành công nghiệp đóng tàu VN. Ảnh: TH.HÙNG

Ngoài ra, giải pháp hỗ trợ cũng được các nhà quản lý quan tâm là đưa Quỹ Phát triển KH-CN TP với số vốn 50 tỷ đồng vào hoạt động có hiệu quả.

Đây cũng là năm TPHCM tập trung xây dựng và triển khai các dự án: Đầu tư hệ thống tính toán hiệu năng cao cho Viện Khoa học và Công nghệ tính toán; xây dựng Trung tâm Thiết kế chế tạo thiết bị mới (Neptech), Phòng thí nghiệm chất lượng cao về phân tích và thí nghiệm làm cơ sở kiểm định chất lượng sản phẩm trình độ cao ngang tầm quốc tế.

Theo ông Phan Minh Tân, GĐ Sở KH-CN TPHCM, để đảm bảo nguồn nhân lực cho các dự án, Sở KH-CN đã chủ động đề xuất lên Thành ủy, UBND TP xây dựng một cơ chế, chính sách đặc thù về điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ nhằm thu hút lực lượng trí thức Việt kiều về làm việc ở Viện Khoa học và Công nghệ tính toán.

“TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện cơ chế mở để thu hút chất xám về làm việc tại VN. Đặc biệt, việc công bố hoàn thiện cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin địa lý (Gis) không chỉ có ý nghĩa kinh tế – xã hội cho TP mà có giá trị khoa học rất lớn cho cả nước”, Vụ trưởng – Giám đốc cơ quan đại diện phía Nam Bộ KH-CN Nguyễn Văn Truyền nhìn nhận.

Nhờ đột phá trong tư duy quản lý, trong năm qua, Sở KH-CN đã thực hiện 275 đề tài, dự án với tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng (tăng 15,21%). Trong đó, các đề tài đặt hàng chiếm 34%, tỷ lệ đề tài ứng dụng sau nghiệm thu đạt đến 80%. Đồng thời, chuyển giao 40 đề tài sau nghiệm thu bao gồm các lĩnh vực môi trường, y tế, công - nông nghiệp, xây dựng… cho 30 đơn vị đặt hàng như Bộ Tư lệnh Hải quân, Sở Tài nguyên – Môi trường, HEPZA. Ngoài ra, sở còn triển khai nhiều chương trình, dự án KH-CN có quy mô lớn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP như: chương trình thiết kế chế tạo robot, đánh giá trình độ công nghệ các doanh nghiệp, đặc biệt là thiết kế sản xuất chíp xử lý 60bit RISC thương mại SG-8V1.

Tập trung cho công nghệ cao

Những thành công trong năm qua là bước đệm để Sở KH-CN tiếp tục phát huy, khẳng định vai trò của khoa học công nghệ cho sự phát triển của TP. Ông Phan Minh Tân cho biết, trong năm 2009, sở sẽ cấp 60 tỷ đồng (tăng 12%) cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, tập trung đầu tư vào 4 lĩnh vực công nghệ cao gồm: công nghệ sinh học, vật liệu mới, tự động hóa và CNTT.

“Nếu đầu tư tốt, những ngành này sẽ tạo ra những sản phẩm mới, phát triển các ngành kinh tế có hàm lượng khoa học cao, tăng tính cạnh tranh với các nước” - ông Tân khẳng định. Trong công tác quản lý, vấn đề đổi mới cơ chế tiếp tục được sở đặt ở vị trí tiên phong với nhiều điểm mới như: dân chủ, công khai trong hoạt động nghiên cứu khoa học từ công bố danh mục đề tài, kinh phí, xét duyệt trên website.

Kế đến là hoàn thiện cơ chế đặt hàng, gắn kết khoa học với thực tiễn để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội TP thông qua đẩy mạnh sự liên kết giữa 3 bên cơ sở khoa học-doanh nghiệp-địa chỉ ứng dụng.

Cùng với công tác trên, sở cũng chú trọng phát triển thị trường khoa học - công nghệ để thương mại hóa các sản phẩm từ nghiên cứu. Song song đó, một sàn giao dịch công nghệ cao cũng sẽ được hình thành nhằm phát triển thị trường công nghệ tại TPHCM và khu vực phía Nam. Dự kiến, Quỹ Phát triển KH-CN sẽ chi 15 tỷ đồng chọn lọc một số dự án phát triển công nghệ sản xuất thực nghiệm.

Để thực hiện những kế hoạch đã đặt ra, ông Tân kiến nghị TP cần tiếp tục tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ cho TP để đầu tư các phóng thí nghiệm trọng điểm, các viện, trung tâm nghiên cứu mạnh đạt trình độ quốc tế. Cụ thể là trang bị hệ thống tính toán hiệu năng cao cho Viện Khoa học và Công nghệ tính toán, đầu tư giai đoạn 2 cho Neptech.

Thanh Hùng

Tin cùng chuyên mục