Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, năm 2017, mục tiêu đặt ra là tăng trưởng khoảng 6,7%. Trong quá trình thực hiện, chúng ta có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là tình hình thiên tai xảy ra liên tiếp ở nhiều địa phương.
Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ là tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm huy động tối đa nguồn lực cho phát triển; đồng hành cùng doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Trong đó, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia 2017-2018 của Việt Nam tăng 5 bậc, lên thứ 55/137 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng vừa công bố xếp hạng về môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam tăng 14 bậc, lên vị trí 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Moody’s nâng mức tín nhiệm của ngân hàng Việt Nam lên tích cực. "Đây là những tín hiệu rất mừng của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh" - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Năm 2017, có nhiều yếu tố ảnh hưởng rất bất lợi cho tăng trưởng kinh tế như ngành khai khoáng giảm mạnh (9 tháng ngành khai khoáng giảm 8,1%). Riêng ngành dầu khí giảm 10,7% so với 2016, năm 2017 chỉ dự kiến khai thác 13,25 triệu tấn dầu, giảm 2 triệu tấn so với 2016, giảm 3 triệu tấn so với năm 2015.
Tính theo giá so sánh năm 2010, mỗi triệu tấn dầu đóng góp 0,25% điểm GDP, như vậy so với 2 năm trước, riêng dầu khí đã giảm 0,75% GDP.
Trước diễn biến như vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều biện pháp quyết liệt nhằm đảm bảo giữ vững chỉ tiêu tăng trưởng. Tại sao phải làm như vậy?
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Có tăng trưởng mới duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế cũng như tạo việc làm, thu nhập và bảo đảm an sinh xã hội.
Cùng với đó, việc đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng cũng sẽ giúp đảm bảo chỉ tiêu an toàn nợ công, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu ngân sách, đảm bảo các mục tiêu chi, đầu tư xây dựng. Từ đó, đời sống người dân cũng sẽ được phát triển. Tăng trưởng cao hơn cũng giúp Việt Nam dần rút ngắn khoảng cách so với các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các kịch bản hàng quý cho từng ngành, lĩnh vực. Đặc biệt là rà soát cụ thể đối với 31 sản phẩm chủ lực. Đồng thời, yêu cầu các bộ quản lý ngành, lĩnh vực kinh tế tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh. Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tăng trưởng kinh tế đạt kết quả tích cực. 9 tháng đạt 6,41%, ước cả năm đạt 6,7%.
Trong đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định rõ, đạt được kết quả này là nhờ cả 3 khu vực tăng trưởng khá đồng đều ở cả 3 khu vực, công nghiệp – nông nghiệp và dịch vụ.
Cụ thể, khu vực nông nghiệp 9 tháng tăng 2,78%, gấp hơn 4 lần cùng kỳ; trong đó thủy sản tăng 5,42%; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước cả năm đạt 35 tỷ USD.
Khu vực công nghiệp và xây dựng 9 tháng tăng 7,17%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh 12,77%. Trong tháng 10, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng mạnh, đạt 17%. Tính chung 10 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ (7,3%).
Khu vực dịch vụ 9 tháng tăng 7,25%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng tăng 10,7% (cùng kỳ tăng 9,3%; nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,4%, cùng kỳ tăng 9%). Kinh tế du lịch tăng mạnh, khách quốc tế đạt trên 10,4 triệu lượt, tăng 28,1%.
Xuất khẩu tăng mạnh, 10 tháng đạt 173,7 tỷ USD, gần bằng tổng xuất khẩu năm 2016, tăng 20,7% (trong đó rau quả tăng 42,7%, điện tử, máy tính tăng 38,8%, điện thoại tăng 28,8%, máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng 28%...); xuất siêu 1,23 tỷ USD... Cùng với đó, tổng đầu tư xã hội cũng tăng hơn so với cùng kỳ, đạt 33,9% GDP.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng thừa nhận, chất lượng tăng trưởng còn thấp, chỉ số ICOR (hiệu quả vốn đầu tư) cao so với giai đoạn trước và những nước trong khu vực; ứng dụng công nghệ cao còn thấp, gia công còn nhiều, giá trị gia tăng nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm chưa cao; năng suất lao động thấp; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm ở nhiều ngành, lĩnh vực.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, đặc biệt là triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5; tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhất là tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, trước hết là tiếp tục thực hiện các giải pháp hoàn thiện thể chế liên quan đến các lĩnh vực, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn. Cùng với đó, rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm...
Về phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng và tác động nặng nề nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt là bão lũ, hạn hán và xâm nhập mặn. Trung bình mỗi năm, thiên tai làm chết và mất tích trên 300 người, thiệt hại về kinh tế từ 1-1,5% GDP (tương đương khoảng gần 1,3 tỷ USD).
Nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; thực hiện tốt Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Xây dựng bản đồ phân bố dân cư; rà soát, di dời các khu dân cư nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét hoặc có phương án sơ tán khi có thiên tai..., đặc biệt là các tỉnh miền núi và Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó phải cân đối nguồn lực để triển khai thực hiện...