Năm 2010 được đánh giá là một năm buồn của thị trường truyện tranh. Các sản phẩm truyện tranh nước ngoài, nhất là dòng truyện tranh Nhật (manga) tỏ vẻ hụt hơi trong việc thu hút bạn đọc trẻ. Trong bối cảnh đó, truyện tranh Việt Nam do các họa sĩ trong nước sáng tác bắt đầu tìm được cho mình cơ hội...
Thị trường ảm đạm
Nhiều năm trở lại đây, thị trường truyện tranh luôn là miếng bánh béo bở trong mảng sách thiếu nhi nói chung. Doanh số truyện tranh luôn chiếm thị phần cao nhất, hai nhà xuất bản (NXB) chuyên thực hiện sách cho thiếu nhi là NXB Trẻ và NXB Kim Đồng đều xem truyện tranh là một trong những mũi nhọn chủ lực của đơn vị.
Thế nhưng, trên thị trường, truyện tranh Việt lại quá lép vế so với truyện tranh ngoại. Hàng loạt bộ truyện tranh thiếu nhi của Việt Nam ra đời đầy rầm rộ rồi lại nhanh chóng thất bại, ngoại trừ Thần đồng Đất Việt.
Một thời gian dài nhiều NXB trong nước chỉ mang truyện tranh ngoại về mà thiếu quan tâm đến sự khác biệt văn hóa trong thưởng thức và sáng tác giữa các quốc gia. Nhật Bản xem truyện tranh là một sản phẩm văn hóa thông dụng cho mọi lứa tuổi nên truyện tranh của họ cũng có sự phân chia bạn đọc trẻ em, trưởng thành, nam, nữ… Còn ở Việt Nam, truyện tranh được ngầm hiểu là sản phẩm dành riêng cho trẻ em. Kết quả là nhiều tác phẩm nguyên gốc dành cho người lớn lại biến thành dành cho trẻ em khi dịch và phát hành tại Việt Nam gây phản cảm cho các bậc phụ huynh. Truyện tranh Nhật dần dần chịu nhiều tiếng xấu, mất dần chỗ đứng. T
rong khi đó, các sản phẩm thay thế như Comic (truyện tranh châu Âu) lại không phù hợp thị hiếu bạn đọc, truyện tranh Trung Quốc, Hàn Quốc tạo được tiếng vang lúc ban đầu nhưng lại không đủ tiềm lực để duy trì lâu dài, nhiều bộ truyện mở đầu hay nhưng càng về sau càng đuối về nội dung làm bạn đọc chán nản.
Song song đó, truyện tranh trên mạng xuất hiện ồ ạt khiến việc tìm mua sách giấy giảm sút. Nhiều bộ truyện tranh vừa ra mắt tại Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu… đã nhanh chóng được các nhóm dịch chuyển ngữ ra tiếng Việt và tung lên mạng.
Tín hiệu lạc quan
Thật bất ngờ, ngược lại với sự khó khăn của dòng truyện tranh nhập ngoại, dòng truyện tranh trong nước lại dần dần tìm được chỗ đứng trong lòng bạn đọc.
Ở đây cần phải nói đến một trong những vấn đề trước nay gây nhiều trở ngại cho việc phát triển truyện tranh Việt, đó là nội dung. Rất nhiều tác phẩm có sự đầu tư tốt nhưng vì nội dung mà không đạt thành công mong muốn như trường hợp tác phẩm Kiến Tí Nị với sự chấp bút của nhà văn Mạc Can hay Cảnh sát trưởng tí hon với phong cách vẽ hiện đại sinh động nhưng nội dung không mấy thu hút.
Thậm chí cả bộ truyện được xem là đứng đầu truyện tranh Việt Thần đồng Đất Việt cũng không thoát được cái khuôn “truyện tranh ngắn” của chính mình vì để làm thế sẽ phải kết hợp rất nhiều cuộc đời của các danh nhân vào làm một, dễ phá hỏng yếu tố giáo dục lịch sử mà tác phẩm đang thực hiện rất tốt.
Năm 2010 chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục của hai đơn vị làm truyện tranh là Công ty Phan Thị và Công ty Art Sign với hai phong cách làm truyện tranh có thể coi là tiêu biểu cho thành công của truyện tranh Việt Nam hiện nay.
Phan Thị vẫn trung thành với đề tài giáo dục lịch sử nhưng lần này đơn vị không còn giới hạn trong một vài chi tiết nữa mà mở rộng ra cả cuộc đời của nhân vật lịch sử. Nổi bật có thể kể đến tác phẩm Ngô vương nói về nhân vật Ngô Quyền. Ngoài việc bám sát lịch sử, Phan Thị còn tạo ra sự đột phá với việc sáng tác truyện tranh theo các danh tác văn học mà mở đầu là truyện tranh Chí Phèo. Sách của Phan Thị hiện rất được phụ huynh ưa chuộng và cũng đầy thuận lợi trong việc phát hành qua kênh giáo dục.
Cùng ý tưởng nhưng lại đi theo một hướng khác Art Sign chủ trương làm truyện tranh các tác phẩm văn học nổi tiếng và gần gũi bạn đọc nhỏ tuổi mà nổi bật nhất trong năm 2010 là việc chuyển thể các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh như Bồ câu không đưa thư, Nữ sinh, Bong bóng lên trời… Dự kiến, trong năm 2011, đơn vị sẽ tiếp tục tung ra hàng loạt bộ truyện tranh dựa theo các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong đó có Kính Vạn hoa. Ngoài ra, Art Sign còn làm truyện tranh các tác giả khác như Bùi Chí Vinh với Ngũ quái Sài Sòn, Z-Men…
Sự thành công bước đầu của truyện tranh Việt trong năm 2010 đã tạo ra những tín hiệu lạc quan. Năm 2010 là năm bản lề để truyện tranh Việt lấy đà đứng dậy, cung cấp cho bạn đọc những tác phẩm phù hợp nhất thay cho các sản phẩm truyện tranh ngoại xa lạ.
Tường Vy