Đã không ít lần, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: để phát huy tốt nhất quyền làm chủ của nhân dân, nhà nước phải làm tốt “chức năng kiến tạo phát triển”. Nhà nước không làm thay dân mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội. Pháp luật và cơ chế chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Sản xuất bánh ngọt phục vụ tết tại Công ty cổ phần bánh kẹo Phạm Nguyên. Ảnh: CAOTHĂNG
Làn sóng cải cách thứ hai
Trong năm 2014, hai đạo luật liên quan đến thể chế kinh tế: Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) được Quốc hội thông qua. Theo nhận xét của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh, lần sửa đổi này gần như đã “lột xác” nhằm khắc phục những khiếm khuyết của hơn một chục năm triển khai thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Quan trọng nhất là phương pháp tiếp cận khi sửa đổi luật đã chuyển từ “chọn - cho” (có nghĩa là trong luật quy định những lĩnh vực được phép đầu tư kinh doanh), sang phương pháp minh bạch hơn và rõ ràng hơn là “chọn - bỏ”. Cái gì cấm, cái gì hạn chế thì ghi thẳng vào trong luật. Và người dân, doanh nghiệp được phép tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm.
Các cải cách quan trọng về thủ tục hành chính chuyên sâu theo từng ngành, như đất đai, đầu tư xây dựng, thuế, hải quan... cũng là điểm nhấn đáng ghi nhận trong năm 2014. Việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mang lại một số kết quả tích cực. Khởi sự kinh doanh giảm còn 5 thủ tục với thời gian khoảng 16 ngày (thay vì 10 thủ tục và 34 ngày như trước đây); tổng số giờ thực hiện thủ tục hành chính về thuế giảm được 370 giờ, còn 167 giờ. Thời gian nộp bảo hiểm xã hội cũng sẽ rút gọn từ 263 thủ tục xuống 111 thủ tục, giảm 50% số giờ giao dịch so với hiện nay. Cùng với đó, các hoạt động nhằm cải cách thể chế trong thời gian qua còn góp phần thắt chặt kỷ luật ngân sách, tăng trách nhiệm giải trình đối với quyết định và phân bổ vốn đầu tư công; tăng kỷ luật thị trường đối với doanh nghiệp nhà nước...
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đây thực sự là làn sóng cải cách lần thứ hai. Lần trước (những năm 2000) là mở cửa thị trường, nhà nước rút dần đi cho thị trường vận hành. Lần này khó hơn rất nhiều khi yêu cầu của làn sóng đầu tư thứ hai là phải thay đổi cách thức vận hành của nhà nước. “Nên phương án khả thi cao hơn, đó chính là thực hiện tốt các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư…” - TS Nguyễn Đình Cung nói.
Nhiệm vụ sống còn
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo SGGP đầu năm mới 2015, PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nói rõ, tái cơ cấu không phải điều gì quá lớn lao mà chính là từ những cải cách sát sườn đến quyền lợi của người dân, của doanh nghiệp. Dù đổi mới thể chế đã có kết quả bước đầu, nhưng nhìn lại có thể thấy đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Chẳng hạn, trong quá trình triển khai Nghị quyết 19, sự vào cuộc ban đầu của một số bộ, ngành còn thiếu quyết liệt. Chỉ đến khi đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới làm việc trực tiếp, thúc giục và ra chỉ tiêu mang tính pháp lệnh, nhiệm vụ mới được thực thi một cách rốt ráo. Rõ ràng, nhận thức của một số bộ, ngành về cải cácha môi trường kinh doanh vẫn chưa có sự chuyển biến tích cực. Cho tới nay, theo thống kê của Bộ KH-ĐT, có tới 5 bộ hầu như chưa thực hiện giải pháp nào trong số các giải pháp được giao tại Nghị quyết 19.
Năm 2015 là năm có nhiều dấu ấn đặc biệt của kinh tế Việt Nam với các hoạt động chạy nước rút của các bộ, ngành, địa phương cho kế hoạch 5 năm (2011 - 2015). Bên cạnh đó, năm 2015, Việt Nam dự báo sẽ gặt hái nhiều thỏa thuận đàm phán từ các hiệp định thương mại song phương, đa phương và đáng chú ý là sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Quá trình tái cơ cấu kinh tế, mà hoạt động của doanh nghiệp là trọng tâm, đã đến giai đoạn quyết liệt. Chính vì thế, năm 2015 được xem là năm của doanh nghiệp. Việc cải thiện môi trường kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển phải được xem là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại. Điều quan trọng là tư duy cải cách cần được các chủ thể thực hiện nhận thức và quán triệt một cách sâu sắc. Các bộ, ngành cần phải coi cải cách là nhiệm vụ sống còn như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo.
Minh Giang