Năm của sự thay đổi

Mỹ Latinh khởi đầu năm 2015 với những tín hiệu kém vui về kinh tế. Ủy ban kinh tế Mỹ Latinh và Caribbean của LHQ (ECLAC) dự báo tăng trưởng GDP của khu vực này năm 2015 chỉ ở mức khiêm tốn 2,2%.

Mỹ Latinh khởi đầu năm 2015 với những tín hiệu kém vui về kinh tế. Ủy ban kinh tế Mỹ Latinh và Caribbean của LHQ (ECLAC) dự báo tăng trưởng GDP của khu vực này năm 2015 chỉ ở mức khiêm tốn 2,2%.

Nền kinh tế của khu vực bị tác động mạnh bởi 3 yếu tố: giá nguyên liệu thô trượt dốc, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu thấp và giá USD tăng cao. Có thể thấy được sự ảnh hưởng lên các nền kinh tế lớn trong khu vực. Venezuela đang ở trong giai đoạn giữa của thời kỳ lạm phát đình trệ (nền kinh tế tăng trưởng thấp và tỷ lệ lạm phát cao) do giá dầu thô giảm phi mã. Tại Argentina, nền kinh tế nước này đang chứng kiến giai đoạn tăng trưởng âm, lạm phát cao và xung đột chưa được giải quyết với các “quỹ kền kền”. Hai nền kinh tế lớn khác trong khu vực là Brazil và Mexico cũng không mấy sáng sủa hơn…

Giới quan sát nhận định, trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff sẽ phải có những thay đổi trong chính sách kinh tế để lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư. Ngoài ra, vụ xì căng đan tham nhũng tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Brazil Petrobras làm uy tín chính quyền sụt giảm buộc bà Rousseff phải mạnh tay hơn nữa trong chiến dịch chống tham nhũng. Tổng thống Brazil cũng phải tiến hành cải cách chính trị triệt để như đã cam kết khi tranh cử. Với Mexico, giá dầu giảm, tăng trưởng kinh tế thấp hơn kỳ vọng buộc Tổng thống Enrique Peña Nieto phải công bố những cải cách, đề xuất mới với hy vọng lấy lại được lòng tin của cử tri nước này.

Năm 2015 còn là năm của các cuộc bầu cử quan trọng tại Mỹ Latinh: bầu cử tổng thống tại Argentina, Guatemala và Haiti; bầu cử quốc hội tại El Salvador, Mexico và Venezuela; bầu cử địa phương tại Bolivia, El Salvador, Colombia, Paraguay… Tại Argentina, trong ba ứng cử viên, những người ủng hộ và theo đường lối chính sách của Tổng thống đương nhiệm Cristina Fernández de Kirchner, chưa có gương mặt nào nổi trội. Nếu chiến thắng không thuộc về những người ủng hộ bà Kirchner, một sự thay đổi mạnh mẽ về chính sách kinh tế, ngoại giao của chính phủ mới chắc chắn sẽ xảy ra tại Argentina.

Tại Venezuela, bầu cử Quốc hội lần này sẽ là cuộc chiến sống còn đối với đường lối phát triển “CNXH thế kỷ 21” mà cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã vạch ra và được đương kim Tổng thống Nicolás Maduro phát triển. Phe đối lập sẽ lợi dụng giai đoạn khó khăn mà nền kinh tế Venezuela đang phải trải qua, xem đó là con bài dùng để chỉ trích đảng cầm quyền. Một số thăm dò dư luận mới đây cũng cho thấy sự sụt giảm về lòng tin của cử tri Venezula đối với ông Maduro.

Sự thay đổi mạnh mẽ và đáng chú ý nữa sẽ đến từ Cuba. Sự kiện Cuba - Mỹ tiến tới bình thường hóa quan hệ vào cuối năm 2014 sẽ tiếp tục là tâm điểm của năm 2015. Sự kiện này sẽ đưa tới sự cải cách hơn nữa trong chính sách kinh tế mà Chủ tịch Cuba Raúl Castro đã thực hiện trong thời gian qua, nhất là khi những cấm vận về thương mại Mỹ áp dụng với Cuba trong hơn 50 năm sẽ được dỡ bỏ. Nhiều chuyên gia cho rằng việc Cuba - Mỹ bình thường hóa quan hệ không chỉ là mang đến sự “thay đổi 180 độ” trong quan hệ 2 nước mà còn là cả khu vực Mỹ Latinh.

Viện Quốc tế về dân chủ và trợ giúp bầu cử (International IDEA) cho rằng trước những khó khăn về kinh tế và chuyển động mạnh mẽ về chính trị sắp tới, năm 2015 sẽ là năm của sự thay đổi và cải cách ở Mỹ Latinh.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục