Từ sáng sớm cho tới đêm khuya đâu đâu cũng ồn ào, ầm ĩ “dzô dzô dzô...” - đây là tình trạng đang diễn ra quá thường ngày tại rất nhiều quán nhậu, quán ăn từ nông thôn, vùng sâu, vùng xa đến thành thị. Tại cuộc hội thảo chia sẻ thông tin nghiên cứu thực trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam diễn ra ngày 26-9 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã phải thốt lên: “Việt Nam đang là quốc gia uống rượu bia đứng hàng đầu khu vực và thế giới!”. Qua những số liệu nghiên cứu mới nhất được công bố, người dân nước ta đứng thứ 2 về tỷ lệ uống rượu bia ở khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 10 ở châu Á và đứng thứ 29 trên thế giới. Thậm chí, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nước ta còn phi mã, tăng nhanh hơn rất nhiều so với các chỉ số về phát triển kinh tế - xã hội, y tế và giáo dục.
Nghiên cứu chỉ ra rằng có tới 77,3% nam giới ở Việt Nam thường xuyên sử dụng rượu bia và đây là tỷ lệ cao nhất thế giới nếu tính riêng nam giới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cứ 10 đấng mày râu ở nước ta thì ít nhất có 7 người thường lơ mơ vì... ma men.
Trong khi đó, thống kê cho thấy mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,4 tỷ lít bia và trên 70 triệu lít rượu, đó là chưa kể khoảng 200 triệu lít rượu không chính thống được nấu ở trong dân cũng được tiêu thụ hết. Nếu tính trung bình, ở Việt Nam một người nam giới trưởng thành uống khoảng 27,4 lít cồn nguyên chất mỗi năm, đây là con số rất đáng báo động.
Chắc chắn rằng lợi nhuận về kinh tế do việc tiêu thụ rượu bia ở nước ta đem lại là không hề nhỏ. Tuy nhiên có một điều chắc chắn là lợi nhuận kinh tế từ rượu bia lại rất nhỏ bé so với những tổn hại về sức khỏe con người và để lại vô vàn hệ lụy nghiêm trọng cho cộng đồng. Theo nghiên cứu của ngành y tế, việc sử dụng rượu bia có liên quan đến 200 loại bệnh tật như: ung thư, tim mạch, đái tháo đường, tiêu hóa, tâm thần, ngộ độc... Nguy hiểm hơn, lạm dụng rượu bia là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, gây mất trật tự an ninh xã hội và cũng đặc biệt là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng tai nạn giao thông gia tăng chóng mặt tại nước ta. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho thấy, gần 60% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ sử dụng rượu, bia; trong đó trên 25% là các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm thương vong nhiều người. Khoa học đã chứng minh, đối với người điều khiển phương tiện giao thông mà có nồng độ cồn ở mức 0,05mg/l khí thở sẽ bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ; ở mức 0,1mg/l khí thở sẽ gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại vụng về, và nếu với nồng độ 0,2mg/l khí thở sẽ bị ức chế, giận dữ, đi lại loạng choạng. Ngoài ra, rượu bia cũng là nguyên nhân dẫn đến 68% số vụ bạo lực gia đình và gần 40% số vụ gây rối trật tự an toàn xã hội.
Để ngăn chặn những hậu quả khôn lường và nguy hiểm do việc uống quá nhiều rượu bia gây ra, Nhà nước và các bộ, ngành chức năng đã ban hành nhiều quy định nhằm hạn chế việc sử dụng rượu bia, như: nghiêm cấm cán bộ, công chức uống rượu bia trong giờ làm việc; tăng mức xử phạt hành chính đối với người điều khiển ô tô, xe máy có nồng độ cồn trong cơ thể vượt ngưỡng quy định... Tuy nhiên, những quy định pháp lý hiện nay xem ra vẫn chưa thực sự đủ mạnh để kiểm soát và ngăn chặn được tình trạng sử dụng rượu bia ngày càng tăng cao.
Trước các mối hiểm họa do rượu bia gây ra, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đang tập trung xây dựng Dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, trong đó có những quy định rất mới và nghiêm khắc như: cấm bán rượu bia sau 22 giờ, cấm bán rượu bia cho trẻ ở tuổi vị thành niên, cấm quảng cáo rượu bia ở nơi công cộng... Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo, nếu không có những biện pháp can thiệp mạnh tay hơn nữa để hạn chế tình trạng sử dụng rượu bia tràn lan như hiện nay thì Việt Nam sẽ nhanh chóng là quốc gia đứng đầu về sử dụng rượu bia chứ không phải là thứ 29 trên thế giới như hiện nay. Trong khi đó, mới đây, trước gánh nặng bệnh không lây nhiễm đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam, đoàn công tác liên cơ quan Liên hiệp quốc (UNIATF) đã đưa ra khuyến nghị với Việt Nam cần phải sớm ban hành Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Ông Nicholas Banatvala, cố vấn cấp cao của Văn phòng WHO, trưởng nhóm UNIATF nhấn mạnh, nếu Việt Nam tăng thuế thuốc lá và có Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, thì sẽ cứu sống hàng ngàn sinh mạng và làm giảm đáng kể chi phí chăm sóc y tế trong những năm tới.
NGUYỄN QUỐC