Thị trường chứng khoán Việt Nam 2007

Năm gian khó của “con hổ” đang lớn

Năm gian khó của “con hổ” đang lớn

Nếu như năm 2006 được xem là năm thăng hoa của thị trường chứng khoán (TTCK) khi Việt Nam rộn ràng gia nhập WTO và chỉ số VN-Index tăng đột biến từ 307,5 điểm lên đến 751,77 điểm, thì năm 2007 giới đầu tư lại trong cảnh thấp thỏm khi phần lớn số phiên giao dịch trên TTCK có xu hướng giảm giá. VN-Index đến ngày 24-12-2007 đạt 930,86 điểm, tăng 23,82% so với đầu năm nhưng vẫn thấp hơn đến 6 lần so với mức tăng của năm 2006...

Năm bản lề và kỳ vọng chưa được đáp ứng

Năm gian khó của “con hổ” đang lớn ảnh 1
Nhà đầu tư lưu ký cổ phiếu. Ảnh: HOÀNG ANH THƯ

Năm nay là năm đầu tiên sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO, năm bản lề cho sự biến đổi về kinh tế và khả năng hội nhập quốc tế. Sự kỳ vọng của nhà đầu tư nhanh chóng được đẩy lên rất cao khi giá cổ phiếu của các công ty niêm yết “sốt” lên theo đà tăng vào cuối năm 2006.

Trong 3 tháng đầu năm, VN-Index tiếp tục bứt phá, tăng đến 55,72% lên mức 1.170,67 điểm ngày 12-3. Thật không may cho các nhà đầu tư chứng khoán khi đây trở thành mức kỷ lục của thị trường mà đến hơn 9 tháng sau chỉ số này vẫn không thể trở lại cột mốc trên.

Giới phân tích cho rằng, các nhà đầu tư đã đặt kỳ vọng quá lớn ngay thời điểm Việt Nam gia nhập WTO khiến giá cổ phiếu lên cao hơn nhiều so với giá trị thực vào lúc đó. Vì vậy, sau hơn 1 năm, dù kinh tế Việt Nam phát triển tốt, các doanh nghiệp niêm yết hàng đầu tăng trưởng cao hơn 30%/năm, nhưng vẫn không thể bù đắp nổi mức tăng giá từ đầu năm. Kỳ vọng trở thành thất vọng khi nhiều nhà đầu tư không tìm được lợi nhuận mong muốn trên TTCK vài tháng qua dù giá cổ phiếu thực tế vẫn đang tăng.

“Chậm” - “Chắc” - Nhà đầu tư điêu đứng

“Chậm” ở đây chỉ đến tiến trình cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn, có tính ảnh hưởng đến toàn thị trường. Trong khi các doanh nghiệp tư nhân, các công ty nhỏ chuyển sang mô hình cổ phần một cách khá nhanh chóng và đạt hiệu quả cao, thì những DNNN lại ì ạch và hoãn liên tục các kế hoạch CPH.

Tính từ đầu năm, có 3 công ty, tập đoàn lớn của Nhà nước được CPH và bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thành công là Bảo Việt, Phân đạm và Hóa chất Dầu khí (DPM) và Tài chính dầu khí (PVFC). Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), dù kịp IPO trong năm 2007 nhưng để hoàn thành CPH vẫn phải đợi đến năm 2008. Đặc biệt, thời điểm được lựa chọn IPO của các DNNN này khiến giới đầu tư lắc đầu ngao ngán. Tất cả đều rơi vào giai đoạn thị trường giảm và “góp công” lớn đẩy thị trường xuống sâu hơn khi các DNNN này được đấu giá.

Bên cạnh đó, nhiều tên tuổi phải lỡ hẹn dù được kỳ vọng sẽ góp mặt trong 2007 do có kế hoạch CPH từ sớm như: Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB), Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Incombank), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Mobifone, Viettel… “Chậm” CPH đã làm mất nhiều cơ hội của nhà đầu tư và luồng vốn trên TTCK không giữ được sự ổn định suốt năm qua.

Tuy nhiên, nhân tố chính được xem là lý do khiến thị trường đột ngột đảo chiều đến từ một chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước. Chỉ thị 03 hạn chế cho vay cầm cố chứng khoán đã khiến các nhà đầu tư chứng khoán bất ngờ và làm giảm hẳn sức cầu trên thị trường, gián tiếp kéo TTCK xuống mạnh và rời xa mức đỉnh đã lập được cuối quý 1-2007. Chỉ thị này có thể được xem là “có lợi” giúp giảm rủi ro cho các ngân hàng yếu kém cả về quản lý và năng lực tài chính cũng như giữ được sự “ổn định” cho các nhà điều hành hoạt động ngân hàng.

Tuy nhiên, trong mắt các nhà đầu tư, tính “chắc” ăn này làm đọng lại nguồn vốn, chẳng mấy tốt đối với các ngân hàng có thực lực mạnh, giảm sự hấp dẫn khi đầu tư vào chứng khoán, khả năng tận dụng cơ hội đầu tư cũng không được linh hoạt. Trên thị trường OTC nhà đầu tư bán đổ bán tháo cổ phiếu để trả nợ ngân hàng, có cổ phiếu của ngân hàng lớn giá từ 16 – 17 triệu đồng (mệnh giá 1 triệu đồng) rớt xuống còn 5 – 6 triệu đồng.

Sự mất mát quá lớn này phần lớn rơi vào túi nhà đầu tư nước ngoài. Đầu tư chứng khoán thất bát, lượng cầu về chi tiêu mua sắm hàng hóa tiêu dùng cũng như kích cầu phát triển trên nhiều lĩnh vực vì thế bị chậm lại và cản trở sự bứt phá tăng trưởng GDP đáng kể. Như vậy, các khái niệm “chậm” – “chắc” lẽ ra giúp tăng trưởng ổn định thì thay vào đó lại cản trở sự phát triển của thị TTCK và nền kinh tế.

Năm 2008 - Đi lên bằng nội lực?

Sự chững lại trong năm 2007 vô tình giữ cho giá cổ phiếu gần với giá trị doanh nghiệp sau 1 năm phát triển và tăng trưởng tốt đẹp. Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết không hề giảm so với sự phản ánh của giá cổ phiếu trên TTCK. Như vậy, khi bước qua năm 2008, nhà đầu tư sẽ có lại những kỳ vọng mới nhờ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp, về kế hoạch CPH các DNNN mở ra cơ hội đầu tư rất lớn, và hơn hết, các nhà đầu tư chứng khoán cũng dần phải “thích ứng” với Chỉ thị 03.

Lượng vốn khổng lồ từ thị trường quốc tế đang chờ đợi các đợt IPO hoành tráng và được xem là đòn bẩy kích cầu khá hiệu quả cho nhà đầu tư trong nước. Thị trường có cơ hội tăng trở lại bằng chính nội lực của mình và như vậy thời điểm cuối năm nay có thể sẽ là cơ hội đầu tư tốt để mua cổ phiếu? Như những đánh giá của thế giới về Việt Nam, chúng ta là con hổ mới của châu Á, con hổ đang lớn và sẽ còn tiếp tục lớn…

TƯỜNG CHÂU

Tin cùng chuyên mục