Ngành thủy sản nói chung và cá da trơn nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức khi các thị trường lớn như châu Âu (EU), Mỹ gặp khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, theo báo cáo phân tích mới nhất của Vietstock, đây là khó khăn chung trong khi giá trị của thương hiệu cá da trơn đã được khẳng định trên trường quốc tế và vẫn mang về kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD cho Việt Nam...
Cá da trơn và giá trị tỷ USD

Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra, basa (cá da trơn) trong năm 2008 đạt tổng sản lượng 657.000 tấn với kim ngạch 1,48 tỷ USD, tăng 69% về sản lượng và 51% về giá trị so với năm 2007; đồng thời, chiếm 32,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản. Như vậy, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cá da trơn đạt bình quân trên 30% trong giai đoạn từ 2005-2008.
Báo cáo phân tích về ngành cá da trơn của CTCP Tài Việt (Vietstock) chỉ ra EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với mức tăng thị phần gần 20% so với năm trước. Nga là thị trường xuất khẩu đứng thứ 2 sau EU và đang có tốc độ tăng trưởng nhanh. Nổi bật hơn, Ukraina là thị trường mới và rất tiềm năng, đã tăng 254,1% trong 8 tháng đầu năm 2008 so với cùng kỳ năm 2007.
Bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn cho ngành: Việc quy hoạch vùng nuôi cá nguyên liệu chưa được chú trọng đúng mức. Tình trạng thừa và thiếu nguồn nguyên liệu cho các DN sản xuất trong cùng 1 năm vẫn thường xuyên xảy ra do tâm lý đào ao thả cá khi giá cao và ngừng việc nuôi cá khi giá thấp. Đây là một khó khăn lớn cho các DN chế biến vì nguồn nguyên liệu không ổn định, nhà máy không hoạt động hết công suất, hiệu quả kinh doanh cũng như khả năng chiếm lĩnh thị trường sẽ bị hạn chế.
Thêm vào đó, các nước nhập khẩu ngày càng nâng cao tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Điển hình như thị trường Nga, trong năm 2007, Chính phủ Nga đã đưa ra hàng loạt các quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn VSATTP. Vì thế, tốc độ tăng trưởng vào thị trường này đã giảm nhẹ so với những năm trước đó (tăng trưởng 13% trong năm 2007).
Nhìn chung, ngành thủy sản nói chung và cá da trơn nói riêng có nhiều triển vọng trong tương lai. Đối với các nước có nền kinh tế phát triển, nhu cầu về tiêu dùng thực phẩm chế biến ngày càng cao và trở nên thiết yếu. Hơn nữa, theo các chuyên gia dinh dưỡng, thực phẩm có nguồn gốc từ thủy sản rất có lợi cho sức khỏe nên ngành chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu còn tiềm năng phát triển tốt.
Nam Việt và vị thế đầu ngành
Nói đến cá da trơn, nhà đầu tư biết đến CTCP Nam Việt (Navico, mã chứng khoán ANV) khi đơn vị này không những đứng đầu trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu cá tra, basa mà cả trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong 2 năm 2006 và 2007. Không chỉ thế, khoảng cách từ vị trí dẫn đầu so với các vị trí kế tiếp là khá xa nên có thể yên tâm về việc Navico tiếp tục dẫn đầu trong những năm tiếp theo.

Doanh thu từ cá tra, cá basa chiếm hơn 90% tổng doanh thu của Navico, các phụ phẩm chiếm gần 10% doanh thu. Bà Ngô Thị Như Diễm, chuyên viên phân tích Phòng Nghiên cứu của Vietstock đánh giá: “Mặc dù chỉ chiếm 10% doanh thu nhưng phụ phẩm đã mang lại gần 30% trong tổng lợi nhuận. Đây được cho là điểm mạnh của Navico vì biết tận dụng những phế liệu từ cá để tạo ra các sản phẩm phụ có tỷ suất sinh lợi cao”.
Doanh thu từ hoạt động xuất khẩu chiếm 79% trong cơ cấu doanh thu phân chia theo khu vực địa lý. Lợi nhuận gộp biên của doanh thu xuất khẩu là 21,17% trong khi doanh thu từ thị trường nội địa là 26,48%. “Như vậy, khi nhu cầu trong nước tăng cao, việc tập trung vào khai thác thị trường này sẽ mang lại cho Navico lợi nhuận khá lớn” - bà Như Diễm nhận xét thêm...

Về cơ cấu doanh thu theo lĩnh vực kinh doanh, lợi nhuận gộp biên của sản xuất là 26,55%, cao hơn nhiều so với thương mại, chỉ 13,51%. Với các chỉ số này, Vietstock đã đánh giá Navico kiểm soát chi phí đầu vào rất tốt: “Nếu việc sản xuất được mở rộng, tự thân công ty có thể đáp ứng được tất cả các đơn đặt hàng của nhà nhập khẩu thì lợi nhuận mang lại trên một sản phẩm sẽ ngày càng gia tăng”.
Thị trường xuất khẩu chính của Navico là châu Âu, châu Á và Nga. Tuy nhiên giữa 3 thị trường này đã có sự dịch chuyển mạnh trong 4 năm qua. Nếu như trong năm 2004 thị trường châu Á dẫn đầu khi chiếm 58,63% tổng kim ngạch xuất khẩu thì trong năm 2007 chỉ còn là 14,18%. Ngược lại, thị trường châu Âu đã tăng mạnh từ 22,81% trong năm 2004 lên 46,25% trong năm 2007 và đang dẫn đầu thị phần xuất khẩu của Navico.
Nổi bật nhất là thị trường Nga, thị trường mới và rất tiềm năng, với 1,18% trong năm 2004 đã tăng lên 32,81% vào năm 2006. Con số này giảm nhẹ trong năm 2007, chỉ còn 26,84%. Nguyên nhân là sau khi phát hiện các lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam nhiễm kháng sinh cấm, Nga đã thay đổi chính sách nghiêm ngặt trong quản lý VSATTP. Điều này làm cho hoạt động kinh doanh của Navico ít nhiều bị ảnh hưởng, sụt giảm thị phần. Tuy nhiên, sau khi cải tiến và đạt đủ các tiêu chuẩn, trong 9T/2008, xuất khẩu sang thị trường Nga đã lại tăng lên và đứng vị trí dẫn đầu với 40%, châu Âu là 30%, còn lại là các thị trường khác.
Do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới nên nhu cầu ở các nước nhập khẩu giảm sút… Đặc biệt là nhiều nhà nhập khẩu bị ngân hàng siết tín dụng nên không có khả năng thanh toán để nhập những đơn hàng mới. Vì vậy, cơ cấu thị phần xuất khẩu của Navico có khả năng thay đổi mạnh trong năm 2009. Đây cũng được xem là một dự báo với các doanh nghiệp thủy sản khác.
TƯỜNG CHÂU