Là một trong những lĩnh vực mấu chốt để thúc đẩy ngành công nghiệp dược trong nước nhưng hóa dược hiện nay của nước ta vẫn quá mờ nhạt. Quốc hội cũng đang bàn thảo về Luật Dược (sửa đổi) và nhấn mạnh ưu tiên phát triển công nghiệp dược. Tuy nhiên, thực tế từ năm 2009-2010, Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển ngành hóa dược trong sản xuất thuốc, nhất là thuốc kháng sinh, nhưng các đơn vị tham gia chưa… mặn mà!
Sản xuất thuốc tại một nhà máy dược phẩm TPHCM
Chủ yếu “nấu cao, đóng vỉ”!
Một trong những “điệp khúc” muôn thuở của ngành dược trong nước là thiếu nguyên liệu. Điều này đã được thể hiện rõ khi cả nước có tới hơn 180 nhà máy dược phẩm đạt chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (GMP-WHO) nhưng 90% nguyên liệu là nhập khẩu. Giám đốc một số doanh nghiệp dược thẳng thắn cho biết đã nhiều lúc “bể” không ít hợp đồng sản xuất thuốc do bế tắc nguyên liệu đầu vào. Điều đáng nói, theo các doanh nghiệp dược, giá nguyên liệu nhập khẩu liên tục được đối tác thay đổi theo hướng tăng cao, chưa kể biến động tỷ giá. “Thậm chí một số doanh nghiệp dược không thể mua nổi nguyên liệu và đành “treo” xưởng sản xuất”, lãnh đạo một công ty dược trong nước cho biết. Hiện phần lớn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước châu Âu. Kể cả tá dược cũng nhập khẩu.
Theo các chuyên gia dược liệu, đến nay, đánh giá chung cho thấy công nghiệp hóa dược Việt Nam còn yếu và chậm phát triển, hầu hết sản phẩm thuốc, hóa chất cho công nghiệp hóa dược phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Trị giá nhập khẩu thuốc và nguyên liệu của Việt Nam gia tăng qua mỗi năm - theo thống kê của Bộ Công thương, năm 2009 lên tới 1,17 tỷ USD, trong đó phần nguyên liệu lên tới 267 triệu USD. Đến năm 2015 xấp xỉ 3 tỷ USD, trong đó nguyên liệu gần 700 triệu USD. Chuyên gia cao cấp dược học, PGS-TS Lê Văn Truyền nhìn nhận, các doanh nghiệp dược trong nước có những bước phát triển mạnh trong đầu tư sản xuất thuốc, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng xu thế mô hình bệnh tật và xu hướng sử dụng thuốc đã có nhiều thay đổi, trong khi hầu như nguồn nguyên liệu đều phụ thuộc vào nước ngoài. PGS-TS Lê Văn Truyền cũng khẳng định trình độ công nghiệp dược Việt Nam vẫn “lép vế” so với các nước. Một số chuyên gia dược học cũng cho rằng dù nói là công nghiệp dược nhưng thực tế nhiều công ty dược hiện vẫn dùng công nghệ lạc hậu, chủ yếu “nấu cao, đóng vỉ” là chính.
Hiện ước tính cả nước có trên 300 đơn vị sản xuất nguyên - dược liệu nhưng đa số là các hộ cá thể, điều kiện trang thiết bị còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả điều trị của thuốc. “Nếu làm một cuộc điều tra cặn kẽ, không ít công ty dược hiện chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu đã tinh chế từ nước ngoài về rồi xử lý qua các khâu cô đặc hoặc hóa lỏng và đóng vỉ, chai. Còn nghiên cứu sản xuất thuốc mới gần như đếm trên đầu ngón tay”, một chuyên gia dược học cho biết.
Thực tế từ tổng hợp của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho thấy hiện đã có 10.861 thuốc đăng ký nước ngoài với gần 1.000 hoạt chất, trong khi ngành dược trong nước mới sản xuất được mới khoảng 500 hoạt chất trong số hơn 1.500 hoạt chất. Do đó, thuốc nhập khẩu vẫn đa dạng hơn, khả năng đáp ứng nhu cầu điều trị tốt hơn…
Ngán ngại… hóa dược
Được đánh giá là công ty sản xuất thuốc, nguyên liệu kháng sinh hàng đầu trong cả nước, Công ty cổ phần Dược phẩm MEKOPHAR (trước là Xí nghiệp Dược trung ương 24) đã nâng công suất nhà máy lên 400 tấn/năm từ năm 2004 để phục vụ nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, do cạnh tranh về giá cả hàng ngoại nhập từ Ấn Độ và Trung Quốc, sản lượng tiêu thụ trong nước không lên cao được và chưa đáp ứng nhu cầu. Đặc biệt rất “bấp bênh” đầu ra với nguyên liệu kháng sinh như Amoxicillin và Ampicillin. Theo dược sĩ Huỳnh Thị Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty Dược phẩm MEKOPHAR, việc phát triển sản xuất nguyên liệu kháng sinh có ý nghĩa thiết thực trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược của ngành dược nước nhà. Công ty MEKOPHAR đã từng hoạch định chương trình phát triển của mình trong lĩnh vực này, đã sản xuất 2 nguyên liệu Amoxicillin trihydrate và Ampicillin trihydrate (với công suất 450 tấn/năm); thiết lập và trình báo cáo đầu tư sản xuất nguyên liệu kháng sinh Cephalexin monohydrate (trong chương trình phát triển sản xuất nguyên liệu kháng sinh thuộc chương trình phát triển công nghiệp hóa dược quốc gia); thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ bán tổng hợp nguyên liệu kháng sinh Cefaclor monohydrate”…
Tuy nhiên, được biết đến nay Công ty MEKOPHAR đã “bỏ cuộc” khỏi chương trình phát triển công nghiệp hóa dược quốc gia với nhiều lý do… Từ năm 2010, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, cùng các bộ Tài chính, Y tế, Khoa học và Công nghệ… tính toán chi tiết đề xuất cơ chế, chính sách, mức hỗ trợ cụ thể để phát triển hóa dược, tập trung vào sản xuất nguyên liệu kháng sinh. Động thái này nhằm góp phần thúc đẩy nền công nghiệp dược nước nhà. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp dược, họ gặp khá nhiều khó khăn như kinh phí đào tạo, chuyển giao công nghệ, vốn, nguyên phụ liệu đầu vào và đặc biệt lo ngại về giá thành sản phẩm không thể cạnh tranh với giá nhập khẩu. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp không dám mạo hiểm đầu tư sản xuất nguyên liệu kháng sinh. “Vấn đề không phải các doanh nghiệp trong nước không làm được hóa dược, cái quan trọng là đầu ra có cạnh tranh được, có được bảo hộ không?”, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, băn khoăn.
Với việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp dược trong nước hết sức khó khăn do không chủ động sản xuất, giá thành sản phẩm cao, khả năng cạnh tranh kém… Trong khi, ngành hóa dược trong nước chưa được đầu tư đúng mức. Đó là thách thức lớn cho ngành công nghiệp trong nước!
Theo Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), Việt Nam đang đứng ở mức 2 - 3 trong tổng số 5 mức phát triển công nghiệp dược, tức chỉ mới dừng lại đóng gói bán thành phẩm nhập khẩu, gia công; công nghiệp dược nội địa sản xuất đa số thành phẩm từ nguyên liệu nhập. |
TƯỜNG LÂM