Nan giải tham nhũng y tế

Nan giải tham nhũng y tế

Không ít cơ sở y tế và y bác sĩ lợi dụng chính sách, quyền hạn để chiếm dụng, tham ô tiền viện phí, tiền thuốc chữa bệnh, móc nối đưa bệnh nhân từ bệnh viện công ra bệnh viện tư và phòng khám tư nhân... Đây là những đánh giá mới nhất về tình trạng tham nhũng trong  ngành y tế đang gây bức xúc cho người dân.

Thói quen xấu

Mệt mỏi chen lấn làm thủ tục nhập viện, rồi ngồi chờ đợi gần cả buổi sáng để khám bệnh tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội, chị N.T.Hương ở Lương Sơn, Hòa Bình vẫn không quên kẹp chiếc phong bì có 100.000 đồng vào cuốn sổ khám bệnh khi tới lượt được bác sĩ gọi vào phòng khám.

“Đi viện bây giờ, dù có phải xếp hàng chờ đợi lâu, nếu không có phong bì cho bác sĩ khám thì không chỉ khó khỏi bệnh, mà còn tốn kém thuốc men, thời gian đi lại…”, chị N.T.Hương chia sẻ.

Minh họa: A.Dũng

Minh họa: A.Dũng

Trong khi đó, tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bà Lê Thị T. ở Phú Xuyên đang chăm con gái vừa sinh nở ở đây cũng thẳng thắn: “Đi viện bây giờ cái gì cũng tiền, không chỉ tiền thuốc men mà tiền cho y tá, hộ lý cũng phải có. Con tôi mổ đẻ, không chỉ có “bồi dưỡng” cho kíp phẫu thuật, mà mỗi lần làm vệ sinh, thay bông băng vết mổ, tiêm thuốc cho mẹ, hay đưa cháu bé đi tắm đều phải dúi cho y tá hộ lý vài chục ngàn đồng mới yên tâm…”.

Tình trạng người bệnh khi đi khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện công lập phải đưa “phong bì” cho y, bác sĩ đã rất phổ biến và trở thành luật bất thành văn mỗi khi đến bệnh viện. Thậm chí, nhiều bệnh nhân cho biết, trước khi khám chữa bệnh, họ còn phải tham khảo mức “bồi dưỡng” y, bác sĩ để cho… phải phép.

Tại hội thảo về công tác phòng chống tham nhũng mới đây, bà Trần Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, cho biết: Qua nghiên cứu về chi phí không chính thức trong dịch vụ y tế cho thấy, tỷ lệ người bệnh sử dụng phong bì trong dịch vụ y tế tăng đều hàng năm, nếu như năm 2007 chỉ có khoảng 13% người bệnh hối lộ, đưa phong bì cho bác sĩ thì sau 3 năm tỷ lệ này lên tới 30%. Đặc biệt, càng lên tuyến trên, mức độ nhận phong bì, giá trị phong bì càng lớn, nếu như ở bệnh viện tuyến quận huyện giá trị phong bì lớn nhất cho bác sĩ là 200.000 đồng, điều dưỡng 50.000 đồng thì lên tới bệnh viện tỉnh phong bì cho bác sĩ trung bình là 200.000 đồng, còn lớn nhất là 1 triệu đồng.

Trong khi đó, tại bệnh viện tuyến trung ương, phong bì cho bác sĩ cao nhất là 2 triệu đồng, còn trung bình phải từ 500.000 - 1 triệu đồng, đối với điều dưỡng hay hộ lý cũng phải từ 20.000 - 100.000 đồng.

“Thói quen nhận phong bì đối với nhân viên y tế mới tại các khoa ngoại, khoa sản thường là chỉ sau 1 năm làm việc, còn với các khoa khác thì thời gian làm quen với việc nhận phong bì là từ 1 - 3 năm” - bà Hà cho biết.

Trong khi đó, một bác sĩ ngoại khoa ở một bệnh viện ở Hà Nội không ngần ngại nói: “Nếu không có, cứ cảm thấy thiếu thiếu”!

Khó chữa?

Việc nhận phong bì, tiền bồi dưỡng của người bệnh trở thành việc quá bình thường, được xem như… “tham nhũng vặt” so với muôn hình vạn trạng và thủ đoạn tinh vi trong tham nhũng y tế. Cũng tại hội thảo về công tác phòng chống tham nhũng mới đây, Thanh tra Bộ Y tế cho biết, qua kiểm tra phát hiện có những cơ sở khám chữa bệnh lợi dụng chính sách miễn, giảm viện phí cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi… để chi sai chế độ. Lợi dụng quyền hạn, chiếm dụng viện phí, lấy thuốc. Gian lận trong thực hiện BHYT dẫn tới lạm dụng các quy trình xét nghiệm, thuốc men để tăng thu từ bồi thường BHYT.

Còn tại một số bệnh tuyến trên, trước nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng, một bộ phận nhân viên y tế đã lợi dụng quyền hạn vòi vĩnh, nhũng nhiễu để nhận phong bì, bồi dưỡng của người bệnh. Bên cạnh đó, một số bác sĩ có biểu hiện lợi dụng nghề nghiệp, kê đơn thuốc cho bệnh nhân với nhiều loại thuốc nhập ngoại đắt tiền để hưởng hoa hồng hoặc nhận quà của các cơ sở kinh doanh dược phẩm hay móc nối đưa bệnh nhân từ bệnh viện công ra các bệnh viện và phòng khám tư nhân...

Những hành vi tham nhũng trong y tế trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và lãng phí tiền bạc của người bệnh, gây bức xúc trong dư luận. Rất nhiều ý kiến cho rằng, tham nhũng trong y tế bắt nguồn từ không ít nguyên nhân khác nhau và rất khó giải quyết. Trong đó có việc tăng tự chủ tài chính trong ngành y tế, dẫn tới nhiều bệnh viện tìm cách tăng thu từ nguồn BHYT và viện phí do bệnh nhân đóng, qua đó dẫn tới nguy cơ gian lận và lạm thu.

Bất bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin giữa người bệnh và cán bộ y tế dẫn tới những xung đột lợi ích, cũng như việc điều trị, kê đơn thuốc quá mức cần thiết cho người bệnh nhằm mục đích thu lợi về tài chính.

Trong khi đó, GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XII cho rằng, cái gốc của tham nhũng trong y tế chính là chất lượng dịch vụ y tế còn kém, nhân viên y tế thu nhập thấp, kỷ luật không nghiêm và việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa được làm rõ. Một số ý kiến khác cho rằng, những bất cập trong hệ thống tổ chức dẫn đến lạm quyền, mất cân bằng cung - cầu trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe, độc quyền trong cung cấp dịch vụ đã tạo điều kiện cho những xung đột lợi ích phát sinh, dẫn tới tham ô, tham nhũng.

Để ngăn ngừa tham nhũng trong ngành y tế, nhiều chuyên gia đã kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện hơn khung pháp lý nhằm thúc đẩy sự minh bạch trong y tế. Đồng thời tăng cường kiểm tra và xử lý kỷ luật nghiêm với y bác sĩ có hành vi tiêu cực, buộc giám đốc, người quản lý cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ. Xây dựng bộ quy tắc ứng xử về những chuẩn mực chăm sóc bệnh nhân và mối quan hệ giữa bác sĩ - người bệnh. Cùng với đó phải thay đổi phương pháp đào tạo để tạo lập thái độ ứng xử chuyên nghiệp và khả năng tự chịu trách nhiệm nghề nghiệp của những người hành nghề.

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục