Mùa giải 1997 khi Vĩnh Long chuẩn bị hết các cửa và các cách để đá chung kết ngược với Khánh Hòa thì họ bị knock-out bởi chiếc bẫy giăng ra rất độc từ ông vua trụ hạng này. Chín năm sau, Khánh Hòa với cái tên mới Khatoco Khánh Hòa lại cho một đại biểu Đồng bằng sông Cửu Long khác ôm hận ngay tại sông Tiền…

Giám đốc Sở TDTT Tiền Giang Nguyễn Nam Hùng ngán ngẫm trước chặng đường chông gai của Thép Pomina Tiền Giang. Ảnh: HOÀNG TY
Chín năm trước, giữa sân Vĩnh Long mới xây thật hoành tráng, Khánh Hòa đã vào hang cọp và chơi bài dương đông kích tây thật ngoạn mục qua việc chia rẽ nội bộ đội chủ nhà nhắm vào vị trí thủ môn Ngô Hoàng Kiệt. Nỗi đau ấy đến giờ Vĩnh Long vẫn còn hận khi quá tơ trước một đại gia đầy kinh nghiệm trong cuộc chơi khắc nghiệt. Cuộc chơi mà “lão làng” Chín Lộc (giờ là Giám đốc điều hành CLB Khatoco Khánh Hòa) phải cải trang làm người hâm mộ ngồi bên khán đài B cùng vị Giám đốc Công an tỉnh hòa lẫn với khán giả Vĩnh Long.
Buổi chiều buồn hôm ấy tại Vĩnh Long, mọi người thấy các cầu thủ Khánh Hòa nhảy múa vui mừng như điên dại. Trong đó có một gương mặt rất non của lứa trẻ Khánh Hòa mới lên là Trần Thiện Hảo – người ghi bàn ấn định 2-0 vào lưới Vĩnh Long đồng thời tiễn đội bóng miền Tây này xuống hạng.
Chín năm sau thì Thiện Hảo đã là người đội trưởng đầy bản lĩnh đứng trước chấm 11 mét trên sân Mỹ Tho và lạnh lùng làm cái việc dập tắt mọi hy vọng của tân binh Thép Pomina Tiền Giang.
Chín năm sau, Khánh Hòa lại tìm ra một nạn nhân của cái khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đá bóng thật chân phương. Có điều là bây giờ Khánh Hòa thắng bằng thực lực trong một cuộc chơi lớn hơn chứ không cần phải tung những đòn tiểu xảo như chín năm trước.
Cùng là tân binh nhưng rõ ràng T. Tiền Giang quá tơ trước một Khánh Hòa bắt nhịp rất nhanh ở sân chơi chuyên nghiệp. Họ biết làm mới mình bằng cả một quy trình lên chuyên nghiệp và sống trong môi trường chuyên nghiệp chứ không như Tiền Giang mừng húm khi lên chuyên nghiệp rồi bắt đầu lại tìm cách bơi trong cái ao lớn bằng những con người cũ.
Một cuộc thay tướng giống như bao cuộc thay tướng khác khi đội bóng nằm ở đáy bảng với thành tích kém cho dù cuộc thay tướng của T. Tiền Giang chỉ mang ý nghĩa về mặt tâm lý chứ không phải một cuộc cách mạng thực sự.
Cái mà Tiền Giang cần làm là cái mà ngày lên hạng HLV Vũ Trường Giang đã góp ý với Ban giám đốc Sở TDTT Tiền Giang về việc củng cố con người và vẽ lại đường băng cho cái sân chơi lớn ở cái ao lớn hơn. Thế nhưng Tiền Giang đã không thể thực hiện được mà thay vào đó là cuộc gắng gượng với những gì tạm có ở đẳng cấp hạng Nhất. Ngay đến chuyện lên hạng của T.Tiền Giang cũng là đốt giai đoạn trong thời điểm nhiều đội cùng gãy và thế là cờ đến tay.
Chiếc ghế quá khổ mà Tiền Giang đón nhận giờ là chiếc ghế sát chủ vì không có lộ trình và không có chiến lược rõ ràng.
Và ngẫu nhiên, chính Khánh Hòa lại là người quyết định đến số phận của Tiền Giang bằng chính một trận thắng thuyết phục về chuyên môn trước một Tiền Giang chơi thật đơn điệu và chân phương.
Ông Vũ Trường Giang ra đi trong cái thế bất lực. Ông Nguyễn Kim Hằng về với những con người cũ và cơ chế cũ nhưng lại buộc phải làm mới (!?).
Cái mới của ông Hằng không phải là cái mới từ cái đầu tàu mà chỉ là cái mới nơi một con người mới mang đến yếu tố tâm lý nhiều hơn là cải tổ.
Ông Hằng đến với Tiền Giang ngoài cái tình của một người Tiền Giang (sinh tại Cái Bè – Tiền Giang) còn là sự liều lĩnh tìm thử thách mới sau hai lần gãy với Huda Huế và An Giang. Ông đến mà không đòi hỏi nhưng chấp nhận đi từ những chỗ khó khăn nhất mà “tướng” Giang đã chịu đựng suốt từ đầu giải đến giờ.
Tiền Giang còn gì để làm mới được mình ngoài sự thay đổi HLV bằng giải pháp tình thế?
Chắc chắn cả ông Hằng lẫn những thành viên của Thép Pomina Tiền Giang đều không mong cái mới đó là về lại với hạng Nhất. Sau khi là nạn nhân của “vua trụ hạng”, họ có rất rất ít khả năng trụ lại ở cái sân chơi mà thật khó nhọc họ mới leo lên được.
NGUYỄN NGUYÊN