Nâng cao lợi nhuận nhờ “Cùng nhà nông ra đồng”

Sau 1 năm thực hiện, chương trình “Cùng nông dân ra đồng”, Công ty CP BVTV An Giang mở rộng diện tích vụ đông-xuân 2007-2008 lên 1.000 điểm và 11 mô hình với 1.800ha. PGS-TS Đinh Phi Hổ - Trường ĐHKT TPHCM nhận định, chương trình này đã giúp nông dân 2 nhanh và 2 nâng: nhanh chóng lan tỏa những chuyển giao tiến bộ KHKT không chỉ trong mô hình mà còn ngoài mô hình và qua phương tiện truyền thông, nhanh chóng dập tắt dịch hại. Nâng cao sức cạnh tranh cho nông dân và nâng cao sự gắn bó tình làng nghĩa xóm.

Vụ thu - đông vừa qua, 158 hộ nông dân Khmer với 110ha ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, Trà Vinh trúng mùa cao nhất từ trước đến nay, cũng là cao nhất toàn tỉnh. Bình quân đạt 6,04 tấn/ha, tăng 2,04 tấn so cùng kỳ, lợi nhuận đạt 12,4 triệu đồng/ha, tăng 8,8 triệu đồng/ha so cùng kỳ. Tổng lợi nhuận mang lại trong mô hình này là 1,373 tỷ đồng. Thành công của mô hình là do “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con, bà con trúng mùa 2 vụ hè-thu và thu-đông năm nay. Đây là kết quả của Viện Bảo vệ thực vật kết hợp Công ty cổ phần BVTV An Giang thực hiện chương trình “cùng nông dân ra đồng”, liên kết 4 nhà hỗ trợ nông dân. 

Đ.L. 

Một số loại cá thông thường bị khan hiếm

Ngày 27 và 28-12, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo “bảo vệ môi trường nuôi trồng thủy sản trong thời kỳ hội nhập”. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2, đây là dịp đánh giá những tác động đến môi trường cả trong nuôi trồng và chế biến thủy sản thời gian qua, từ đó đề xuất những biện pháp cân bằng giữa các hoạt động này để việc phát triển không ảnh hưởng đến môi trường và trên cơ sở bền vững. Trước nay chúng ta nói về sự bền vững, hiểu điều đó nhưng giải pháp như thế nào vẫn chưa rõ, hội thảo này là cơ sở khoa học để tìm ra giải pháp tốt hơn, đưa ra những luận chứng khoa học để đề ra những quốc sách trong việc bảo vệ hiệu quả môi trường.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản cho biết, nguồn lợi hải sản vùng bờ giảm dần về trữ lượng, sản lượng và kích thước, tỷ lệ cá tạp trong một mẻ lưới tăng lên 70%; một số loài cá thông thường trở nên khan hiếm, hàng trăm loại thủy sản đã đưa vào danh sách sẽ nguy cấp, bị đe dọa và trên 70 loài đã phải đưa vào Sách đỏ Việt Nam… Đây là hậu quả của sự mâu thuẫn giữa lợi ích phát triển và sử dụng tài nguyên thủy hải sản không giảm mà còn có xu hướng tăng lên; chất lượng môi trường các thủy vực hệ sinh thái, nguồn giống và đa dạng sinh học thay đổi theo chiều hướng xấu.  

Đ.P.

Tin cùng chuyên mục