Nâng cao môi trường sống của TPHCM

Nâng cao môi trường sống của TPHCM

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ 10 đã đặt mục tiêu “Xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á”. Đây vừa là mục tiêu, vừa cũng là động lực tạo cảm hứng, thôi thúc toàn xã hội để mọi tổ chức, cấp, ngành, địa phương, người dân đều nỗ lực vượt bậc, đóng góp vào sự phát triển của TP.

Để thực hiện mục tiêu này, TPHCM đã đề ra 7 chương trình đột phá nhằm huy động sức sáng tạo và mọi nguồn lực của thành phố trong giai đoạn 2015-2020. Trong đó, Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị có liên quan mật thiết đến định hướng - mục tiêu và sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản TPHCM. Mà sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản chỉ có thể đạt được khi giải quyết được cơ bản nhu cầu nhà ở của đa số người dân và cả người nước ngoài, trước hết là người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư.

Một chung cư có nhiều công trình tiện ích tại quận 7, TPHCM. Ảnh: HUY ANH

TPHCM hiện có trên 10 triệu dân (dự kiến đến năm 2020 sẽ có dân số lên đến 12 triệu người, với tốc độ tăng dân số cơ học 2,5%/năm, cao hơn tốc độ tăng dân số tự nhiên 1,07%/năm), hơn 1,8 triệu hộ gia đình. Với gần 3 triệu người nhập cư, có một bộ phận không nhỏ trong số 200.000 cán bộ công chức, viên chức, nhất là ngành giáo dục, y tế, lực lượng vũ trang và khoảng 50.000 cặp kết hôn mới mỗi năm, cũng như hơn 20.000 hộ dân sống trong các khu nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch hoặc trong các chung cư hư hỏng nặng, có nhu cầu cấp bách về cải thiện nhà ở, thuê nhà, tạo lập nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, có giá bán vừa túi tiền.

Đây cũng là thách thức lớn nhất vì nhu cầu quá lớn trong khi nguồn cung có hạn, đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách phù hợp và sự nỗ lực phối hợp hiệu quả của chính quyền TP, quận, huyện, cộng đồng doanh nghiệp bất động sản và hệ thống tín dụng, vận hành trên cơ sở hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý minh bạch, thông thoáng và bình đẳng.

Trong hơn 20 năm phát triển, thị trường bất động sản TPHCM đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, đặc biệt là đỉnh điểm bong bóng bất động sản năm 2007, 2010 và giai đoạn thị trường bị đóng băng kéo dài từ năm 2008 đến 2013, với hậu quả nghiêm trọng mà đến nay vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn. Do vậy, chỉ khi nào thị trường bất động sản phát triển theo hướng bền vững thì mới thực sự góp phần xây dựng TP có chất lượng sống tốt. Hơn nữa, ngày nay đòi hỏi của người dân không chỉ là có chỗ ở mà còn đòi hỏi một không gian sống ngày càng hoàn hảo, có nhiều tiện ích, tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường, an ninh và an toàn, mà các doanh nghiệp bất động sản phải đáp ứng nhu cầu rất đa dạng này.

TPHCM là thành phố sông nước - nhiệt đới - phương Nam với điểm nhấn đặc sắc là sông Sài Gòn và các kênh rạch. Hơn 20 năm qua, TP đã làm nên kỳ tích chỉnh trang lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hủ - Ruột Ngựa, kênh Tân Hóa - Lò Gốm và hiện nay đang tiếp tục chỉnh trang kênh Tham Lương - Bến Cát, đã mang lại bộ mặt mới cho nhiều vùng dân cư lụp xụp trên và ven kênh rạch đổi đời.

TP cũng đã thể hiện dũng khí để sửa sai khi lấp kênh Hàng Bàng 20 năm trước đây và nay quyết định khai thông lại kênh này. Hy vọng rằng việc làm này sẽ được tiếp tục để khôi phục lại đoạn thượng nguồn kênh Nhiêu Lộc (đã biến thành cống hộp) để góp phần tiêu thoát nước cho khu vực Tân Bình - sân bay Tân Sơn Nhất. Thực tế việc này cũng đã xảy ra tại Hàn Quốc. Năm 2005, ông Lee Myung Park lúc còn là thị trưởng Seoul (Hàn quốc) đã khai thông dòng suối Cheonggye dài 5,84km chảy qua thành phố với mực nước chỉ sâu trung bình 30-40cm mà cả thành phố ăn mừng kỳ tích này, nay đã trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn 

Đầu những năm 2000, TPHCM đã chủ trương bắt buộc doanh nghiệp phải đào lại hồ để trả lại diện tích mặt nước bị san lấp trong khu vực dự án; công bố quy định không được xây dựng công trình kiến trúc ven bờ các sông rạch, như đối với sông Sài Gòn không được xây dựng công trình từ mép cao bờ sông vào đến 50m. Nhưng việc thực hiện các quy định đúng đắn này chưa nghiêm trong những năm qua có thể làm cho người dân và các thế hệ sau này trách cứ chúng ta vì đã không ứng xử đúng mực với sông Sài Gòn và các kênh rạch trên địa bàn TP.

Trong quá trình đô thị hóa, phát triển và lựa chọn sống trong chung cư là xu thế tất yếu của đa số người dân trên thế giới cũng như ở nước ta. Trong những năm gần đây, nhiều khu nhà chung cư cao cấp, trung bình với nhiều tiện ích đã được xây dựng, góp phần ổn định an cư cho nhiều hộ gia đình.

Hiện nay, TP có khoảng 200 chung cư cũ, phần lớn được xây dựng từ giữa những năm 1960 của thế kỷ trước và đã có nhiều chung cư bị hư hỏng nặng cần phải được xây dựng lại, mà điển hình là việc xây dựng và tái định cư chung cư Nguyễn Kim, chung cư lô IV, lô VI Thanh Đa. TP cần có cơ chế và chính sách thu hút nhiều nhà đầu tư có năng lực để thực hiện các dự án chỉnh trang các khu chung cư cũ, chỉnh trang theo từng ô phố, khối phố để phát triển các khu nhà cao tầng, tăng thêm cây xanh, đường giao thông và độ thông thoáng trên mặt đất đảm bảo quyền lợi của cư dân trong các khu vực được chỉnh trang.

LÊ HOÀNG CHÂU

Tin cùng chuyên mục