Nâng cao năng lực giám sát tài chính quốc gia

Hôm qua 27-8, tại hội thảo “Nâng cao năng lực giám sát kinh tế - tài chính vĩ mô và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành tài chính công” tổ chức ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh cho biết, giám sát nền tài chính quốc gia dựa trên 3 trụ cột giám sát là tài chính công, doanh nghiệp nhà nước và thị trường tài chính. Tuy nhiên, hoạt động giám sát hiện nay cần tiếp tục phải đổi mới khi mà cơ chế giám sát đang bộc lộ hạn chế, chủ yếu ở giám sát tuân thủ còn giám sát để cảnh báo sớm cần tiếp tục hoàn thiện; thiếu cơ chế phối hợp ở tầm vĩ mô, liên ngành; nội dung giám sát trùng lắp...

(SGGP). – Hôm qua 27-8, tại hội thảo “Nâng cao năng lực giám sát kinh tế - tài chính vĩ mô và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành tài chính công” tổ chức ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh cho biết, giám sát nền tài chính quốc gia dựa trên 3 trụ cột giám sát là tài chính công, doanh nghiệp nhà nước và thị trường tài chính. Tuy nhiên, hoạt động giám sát hiện nay cần tiếp tục phải đổi mới khi mà cơ chế giám sát đang bộc lộ hạn chế, chủ yếu ở giám sát tuân thủ còn giám sát để cảnh báo sớm cần tiếp tục hoàn thiện; thiếu cơ chế phối hợp ở tầm vĩ mô, liên ngành; nội dung giám sát trùng lắp...

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Mùi, Giám đốc Trường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực VietinBank, hoạt động giám sát tài chính hiện đang tồn tại không ít bất cập. Cụ thể là việc sự phối hợp của các cơ quan giám sát chuyên ngành còn hạn chế, trong đó chưa ngăn chặn được tình trạng lợi dụng những kẽ hở của luật pháp để “lách” và “né tránh” việc giám sát hoạt động của của cơ quan giám sát; một số hoạt động của các tổ chức tài chính tiền tệ lại không bị giám sát bởi cơ quan giám sát chuyên ngành. Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh tra, giám sát chưa đồng bộ, chưa có quy định về việc phối hợp giám sát hoạt động bán chéo sản phẩm ngân hàng, bảo hiểm. Theo cảnh báo của một số chuyên gia, sự phức tạp thị trường tài chính với các sản phẩm đan xen nhau, thông tin thiếu minh bạch... đang là nỗi lo nếu một trong các định chế tài chính như ngân hàng gặp rủi ro sẽ kéo theo các hệ lụy khó lường khác.

Ông Sameer Goyal, chuyên gia tài chính cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho biết cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã khiến một số nước phải thay đổi cách quản lý theo hướng kiểm soát thị trường tài chính chặt chẽ hơn theo hướng tăng cường năng lực giám sát để từ đó nhận biết rủi ro, cảnh báo sớm. Trong khi đó, ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đề nghị trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, cần thiết phải kết hợp tăng cường giám sát tính tuân thủ của các định chế tài chính cũng như giám sát rủi ro tốt để từ đó ngăn ngừa những rủi ro xuất phát các định chế tài chính trên thị trường, tránh gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính quốc gia.

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục