Nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường

Để thực hiện thành công chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường, công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng đã được xác định là giải pháp, nhiệm vụ vô cùng quan trọng. 
Học sinh Trường Tiểu học Lý Nhân Tông, quận 8 (TPHCM) thu gom rác ở trường, thực hiện phân loại rác tại nguồn Ảnh: THÀNH TRÍ
Học sinh Trường Tiểu học Lý Nhân Tông, quận 8 (TPHCM) thu gom rác ở trường, thực hiện phân loại rác tại nguồn Ảnh: THÀNH TRÍ
Nhiều năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng UBND các quận, huyện trên địa bàn TPHCM đã triển khai mô hình trường học xanh nhằm tăng cường công tác giáo dục và truyền thông nhằm hình thành thói quen bảo vệ môi trường cho học sinh, sinh viên. 
“Xanh” từ nhận thức đến hành động
Nhiều ý kiến cho rằng, việc nâng cao nhận thức, hình thành thói quen bảo vệ môi trường của cộng đồng, đặc biệt với học sinh, sinh viên - những người chủ tương lai của đất nước, là điều then chốt để góp phần giữ gìn, bảo vệ môi trường của thành phố, hướng đến thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, sạch đẹp. Để phát triển theo xu hướng này, nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã và đang triển khai mô hình trường học xanh, điển hình như Trường Mầm non Sơn Ca 11 (quận Phú Nhuận), Trường Mầm non Thế Giới Tuổi Thơ (quận Gò Vấp), Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận 1), Trường Tiểu học Hưng Long (huyện Bình Chánh)... Chia sẻ về nội dung này, thạc sĩ Lương Thanh Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist cho biết, môi trường và cảnh quan trong trường tác động rất lớn đến sức khỏe và chất lượng giảng dạy, học tập của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh. Việc đẩy mạnh ý thức xây dựng trường học xanh - sạch đẹp - an toàn vừa có ý nghĩa phát triển cơ sở vật chất, tôn tạo cảnh quan học đường, vừa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Xây dựng thành công mô hình trường học xanh góp phần đào tạo những thế hệ công dân văn minh, có ý thức bảo vệ, gìn giữ môi trường sống. Định hướng về xây dụng mô hình trường học xanh, nhà trường xác định nhiệm vụ xây dựng trường học xanh là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, phải thực hiện thường xuyên, liên tục và huy động nhiều nguồn lực mới có hiệu quả. Theo đó, nhà trường đã triển khai thực hiện các giải pháp như tiết kiệm và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giảm rác thải và phân loại rác thải tại nguồn; hướng đến sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Đặc biệt, trường luôn thực hiện việc tuyên truyền không hút thuốc lá, không xả rác bừa bãi bằng những hoạt động khá bổ ích như ký tên cam kết, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá. Đối với hoạt động tuyên truyền không xả rác, nhà trường đã thiết kế và lắp đặt các mẫu thùng rác thân thiện với môi trường; biểu diễn dân vũ nhặt rác, làm ốp lưng điện thoại bằng rác tái chế. 
đại diện Trường Tiểu học Lý Nhân Tông (quận 8), cô Nguyễn Thị Tuyết Loan nhận định, tình hình biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế của nhiều người dân. Vì vậy, trường học là nơi lý tưởng để tạo cho mỗi công dân nhỏ tìm hiểu về các vấn đề môi trường - phát triển trang bị các kỹ năng để đương đầu với những vấn đề mà con người đang phải đối mặt. Trường học xanh là trường học có sự tham gia của cả giáo viên và học sinh, có sự chung tay góp sức của xã hội để tạo nên môi trường xanh - sạch - đẹp hơn, mang lại lợi ích cho cộng đồng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đồng thời nâng cao ý thức tiết kiệm, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Như vậy, mô hình giáo dục thân thiện chính là tiền đề xây dựng ý thức bảo vệ môi trường. Và để xây dựng trường học xanh, nhà trường đã tuyên truyền tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên bằng các hành động cụ thể như tắt điện khi ra khỏi lớp, mở máy điều hòa theo giờ quy định, không bật quá 260C, thay các loại cửa để tận dụng ánh sáng tự nhiên, tham gia và tuyên truyền hưởng ứng Giờ Trái đất, thực hiện bỏ rác đúng nơi quy định và phân loại rác tại nguồn... 
Cũng theo xu hướng này, cô Đặng Thị Hồng Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 1), cho biết để xây dựng mô hình trường học xanh, cô và trò nhà trường đã xây dựng mô hình “Văn minh hôm nay, xanh mát ngày mai”. Theo đó, thường xuyên tổ chức các lớp học nâng cao nhận thức cho học sinh, thực hiện tiết học mẫu nhằm cập nhật thông tin về môi trường và hướng dẫn xây dựng lớp học xanh, trường học thân thiện. Tổ chức cuộc thi với chủ đề “Khi rác thải lên tiếng”, thi tạo các đồ dùng tái sử dụng từ rác thải nhựa, thực hiện việc phân loại rác tại nguồn và tạo mảng xanh trường học. 
Khắc phục những tồn tại
Nhiều ý kiến của các trường học cho rằng, quá trình thực hiện mô hình trường học xanh vẫn còn những tồn tại khó khăn. Cụ thể, rác sau khi được phân loại tại trường nhưng khi mang ra xe vận chuyển thì lực lượng thu gom rác lại bỏ chung làm một. Điều này gây ảnh hưởng không tốt đến suy nghĩ của học sinh vì thấy công sức, việc làm của mình không còn ý nghĩa... Liên quan đến thực trạng này, thầy Nguyễn Xuân Đắc, Hiệu trưởng Trường THCS Âu Lạc, quận Tân Bình, phản ánh: “Nhà trường đã thực hiện rất tốt công tác phân loại rác tại nguồn để hướng đến mô hình trường học xanh; tuy nhiên, đơn vị vận chuyển rác lại bỏ lẫn lộn vào một thùng. Như vậy, bao nhiêu nỗ lực của thầy và trò trở nên vô ích. Tôi kiến nghị các cơ quan chức năng cần tìm giải pháp khắc phục tình trạng này”. 
Trao đổi về nội dung này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết để giải quyết tình trạng này, trách nhiệm phải thuộc về lãnh đạo quận, huyện. Địa phương phải thường xuyên kiểm tra công tác thu gom vận chuyển của các đơn vị. Về phía sở cũng sẽ phối với lãnh đạo các quận, huyện thực hiện việc quản lý và giám sát quá trình thực hiện thu gom, vận chuyển và phân loại rác tại nguồn. Cũng theo bà Mỹ, hiện công tác phân loại rác tại nguồn mới triển khai thí điểm tại một số quận ở trung tâm thành phố. Chính vì vậy, nhiều địa phương khác chưa thực hiện hiệu quả. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn ở tất cả 24 quận, huyện để tạo thuận lợi cho việc quản lý. TPHCM cũng phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 100%  địa phương thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Đồng quan điểm này, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho rằng, để nâng cao nhận thức trong cộng đồng về việc phân loại rác tại nguồn, cần phải có những giải pháp hỗ trợ phù hợp. Trong đó, việc giám sát, quản lý khâu phân loại đến thu gom vận chuyển rác thải là yếu tố quan trọng. Khi cộng đồng và chính quyền cùng chung tay bảo vệ môi trường sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thành phố.

Tin cùng chuyên mục