Nước ta đã tham gia TPP và nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới, đòi hỏi người lao động phải nâng cao trình độ tay nghề đáp ứng yêu cầu mới. Thế nhưng, hiện nay nhiều doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn TPHCM chưa chú trọng đến việc đào tạo nâng cao tay nghề, trình độ cho người lao động. Mặt khác, công nhân cũng chưa mặn mà với việc này, bởi nâng cao tay nghề chưa gắn với nâng cao thu nhập.
Người lao động thiệt thòi
Đã hơn 3 tháng sau khi bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động do hết hạn, chị Võ Thị Thu (quê Vĩnh Long, từng là công nhân Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam) vẫn chưa xin được chỗ làm mới, dù chị đã tích cực nộp hồ sơ ở nhiều nơi. Lý do chị không xin được việc là vì đa phần các công ty cần lao động trẻ, còn chị Thu đã hơn 35 tuổi, lại không có tay nghề cao. Chị Thu kể mình đi làm công nhân từ năm 18 tuổi, đã chuyển chỗ làm 4 công ty. Mỗi nơi chị làm vài năm thì công ty chấm dứt hợp đồng, do không muốn tăng lương cho công nhân có thâm niên. “Hồi còn trẻ thì tôi dễ xin việc nơi khác. Giờ lớn tuổi xin việc khó khăn quá. Các công ty tuyển lao động phổ thông toàn chọn người trẻ để có sức làm việc”, chị Thu than thở.
Khi công nhân có sự đầu tư nâng cao trình độ, tay nghề thì cơ hội thăng tiến trong công việc cũng được tăng cao
Hoàn cảnh của chị Thu cũng giống nhiều công nhân khác đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM. Hầu hết công nhân đưa ra lý do không có thời gian để học, không biết học như thế nào và sau khi học xong thì để làm gì. Anh Nguyễn Thành Công (công nhân may ba lô tại Khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức) bảo: “Tôi cũng muốn được học tập nâng cao tay nghề, nhưng công ty không có chính sách hỗ trợ, nếu muốn học thì tôi phải tự bỏ tiền túi. Nhưng qua tìm hiểu, tôi biết dù trình độ, tay nghề của tôi có tăng lên thì tôi vẫn làm công việc như cũ với mức lương không gì thay đổi. Vậy tôi học để làm gì?”. Chính vì suy nghĩ như vậy nên nhiều công nhân chấp nhận an phận. Thế nhưng, đó chỉ là suy nghĩ cục bộ. Chính vì không có tay nghề, đồng lương thấp nên đời sống một bộ phận công nhân khi về hưu gặp nhiều khó khăn.
Lợi công nhân, lợi cả doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp than thở thời buổi kinh tế khó khăn, công ty lo chạy để có doanh thu đã khó nên không có đủ chi phí đầu tư cho đào tạo nâng cao tay nghề người lao động. Thế nhưng, theo kinh nghiệm của những doanh nghiệp có sự chăm chút cho công nhân thì việc đầu tư này sinh ra nhiều lợi, không chỉ cho công nhân mà còn lợi cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Minh Trung, Giám đốc Công ty cổ phần In số 7 (Khu công nghiệp Tân Tạo), khẳng định so với chi phí đầu tư máy móc, việc đầu tư nâng cao tay nghề cho công nhân thấp hơn rất nhiều lần. Tại Công ty In số 7, công nhân không chỉ được đào tạo bằng các khóa mời giảng viên đến ôn lý thuyết, luyện tay nghề, mà còn thông qua hình thức trao đổi lao động để đưa công nhân sang Nhật đào tạo. Bên cạnh đó, chính sách của công ty là khuyến khích, động viên, hỗ trợ chi phí để công nhân tiếp tục học tập nâng cao trình độ, kiến thức, tay nghề. Sau khi tay nghề được nâng cao thì mức lương và chức vụ cũng theo đó thăng tiến. Chính nhờ đó, nhiều công nhân khi vào công ty mới học hết lớp 5, nay đã tốt nghiệp phổ thông, thậm chí lấy bằng đại học. Ông Nguyễn Minh Trung cho rằng, chính nhờ vậy, công ty đã có được những công nhân có tay nghề chất lượng cao, làm ra sản phẩm tốt nhất cho khách hàng và đây cũng là cách công ty giữ được chân người tài ở lại với mình.
Trong thực tế, nếu tay nghề người lao động cao thì năng suất lao động tăng, sản phẩm làm ra ít lỗi, giảm tiêu hao nguyên vật liệu. Nếu người lao động học tập, nâng cao tay nghề thì bản thân họ được nhiều cái lợi như: khả năng phát triển thăng tiến trong công việc (được đề bạt lên tổ trưởng, chuyền trưởng...), tăng thu nhập. Mặt khác, họ có thể là nguồn nhân lực được săn đón của các tập đoàn khác cùng ngành nghề khi đầu tư vào Việt Nam.
Về phía chủ sử dụng lao động, khi đầu tư cho công nhân học tập, nâng cao trình độ, tay nghề, thì doanh nghiệp sẽ giữ được người lao động, có nguồn nhân lực chất lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh. Đây cũng là lợi thế của doanh nghiệp khi đàm phán ký kết làm ăn với các đối tác.
THÁI PHƯƠNG
Việc người sử dụng lao động không tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân là không đúng quy định. Hành vi này bị xử phạt theo Nghị định 95/2013 của Chính phủ. Tuy nhiên, mức xử phạt còn thấp (chỉ từ 500.000 - 1 triệu đồng) so với chi phí tổ chức đào tạo, nâng cao tay nghề của doanh nghiệp bỏ ra nên chưa đủ sức răn đe
Ông Nguyễn Thành Đô, Chủ tịch Công đoàn Các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM