Nắm bắt nhu cầu của DN
Nhu cầu về kỹ năng nghề nghiệp của người lao động xuất phát từ định hướng phát triển DN. Khi định vị chiến lược về khách hàng, sản phẩm và công nghệ, DN sẽ xác định các tiêu chuẩn, kỹ năng lao động phù hợp đối với người lao động cần tuyển dụng và đào tạo.
DN thường chủ động chiến lược phát triển nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh doanh. Trong chiến lược phát triển nhân lực, DN sẽ thực hiện nhiều giải pháp tạo nguồn, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực theo hướng liên kết với các cơ sở đào tạo nghề.
Sản phẩm của các cơ sở đào tạo tạo nghề là cung cấp lực lượng lao động cho DN. DN chính là khách hàng của các cơ sở đào tạo nghề nên phải thường xuyên nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của DN để thiết kế chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giáo viên đào tạo sao cho đáp ứng nhu cầu đó. Muốn vậy, DN cần mở rộng cửa để đón các cơ sở đào tạo đến nắm bắt nhu cầu, tham gia góp ý chương trình đào tạo và tiếp học viên thực tập, giáo viên nghiên cứu.
Ở chiều ngược lại, nhà trường cần định hướng giáo dục theo hướng gắn kết với DN. Thường xuyên tổ chức đối thoại, có cơ chế thúc đẩy giáo viên tiếp cận DN giúp sinh viên thực hành, giúp giáo viên nắm bắt nhu cầu đào tạo cũng như những kỹ năng nghề nghiệp mới xuất hiện tại cộng đồng DN.
Mặt khác, các chương trình hỗ trợ phát triển năng lực cho các cơ sở đào tạo nghề cũng chưa quan tâm đến nhu cầu của DN. Các khoản ngân sách hỗ trợ cho nghiên cứu, phát triển đội ngũ giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất chưa tính đến mối liên kết giữa DN và cơ sở đào tạo. Do vậy, nhiều cơ sở đào tạo được đầu tư cơ sở vật chất khang trang nhưng tuyển sinh khó và lao động cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của DN. Điều này dẫn đến cản trở phát triển các cơ sở đào tạo nghề trong thời gian tới.
Ngoài nguyên nhân thiếu sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề với DN, cơ sở đào tạo nghề còn chịu sự “lấn át” bởi nhu cầu tuyển sinh lớn của các trường đại học tư đang mở rộng quy mô tuyển sinh trong những năm gần đây.
Phải song hành cùng DN
Tăng trưởng kinh tế có thể bị mất đi do kỹ năng lao động không đáp ứng được yêu cầu của DN. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra thì yêu cầu về kỹ năng nghề nghiệp của lao động thay đổi rất nhanh, diễn ra ở hầu hết các hoạt động của DN. Đây là thách thức lớn đòi hỏi cơ sở đào tạo nghề phải thay đổi toàn diện từ khâu nắm bắt kỹ năng mới đến thiết kế chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất và nâng cấp lực lượng giáo viên. Vì vậy, nếu cơ sở đào tạo không có cơ chế phát triển song hành cùng với cộng đồng DN thì thiệt hại sẽ đến cho cả hai.
Phương thức học nghề là quan trọng nhất trong đào tạo nghề. Việc cơ sở đào tạo nghề song hành cùng DN trong quá trình tổ chức đào tạo sẽ mang lại lợi ích cho cả hai phía. Cụ thể, cơ sở đào tạo nghề kịp thời nắm bắt nhu cầu về kỹ năng nghề nghiệp mới, tăng tính thực hành, tương tác trong đào tạo, tiết kiệm được chi phí đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao tính thực tiễn cho đội ngũ giáo viên, học viên. Trong khi đó, DN sẽ tận dụng nguồn nhân lực sinh viên thực tập mà không phải trả phí, sử dụng kết quả nghiên cứu của giáo viên để cải tiến quy trình, thao tác sản xuất một cách khoa học. Đồng thời qua đó, cũng góp phần quảng bá hình ảnh DN, thương hiệu sản phẩm của mình.
Để thúc đẩy tiến trình gắn kết giữa DN và cơ sở đào tạo cần những cơ chế chính sách của nhà nước thúc đẩy. Các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề tập trung cho các chương trình, dự án phát triển giáo dục nghề có sự liên kết giữa DN với cơ sở đào tạo nghề. Đồng thời, ngân sách ưu tiên hỗ trợ phát triển các chương trình đào tạo hướng tới, nhằm đáp ứng yêu cầu mới của thị trường lao động và chuyển đổi số.
Các chính sách hỗ trợ phát triển nhân lực nghề không nên phân biệt đối tượng thụ hưởng công hay tư. Quan trọng là cơ sở đào tạo nào có những chương trình, dự án đáp ứng được mục tiêu là sẽ được hỗ trợ. Nếu ưu tiên nguồn ngân sách hỗ trợ đào tạo cho các đơn vị công lập sẽ tạo ra tâm lý ỷ lại, chậm đổi mới đối với các cơ sở đào tạo công lập.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh thực hiện chủ trương tự chủ toàn diện đối với các cơ sở đào tạo nghề. Chỉ có trao quyền tự chủ mới thúc đẩy tính năng động, sáng tạo, linh hoạt trong đổi mới đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề. Thúc đẩy cơ sở đào tạo tìm đến DN để thực hiện sứ mệnh phát triển nhân lực nghề cho quốc gia.
Hiện nay, ngân sách dành phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động ở Việt Nam không nhỏ, nhưng hiệu quả còn hạn chế. Một số chương trình hỗ trợ đào tạo cho DN chưa đáp ứng được nhu cầu về chương trình, phương pháp và chất lượng. Rất ít DN quan tâm đến các chương trình đào tạo sử dụng ngân sách tổ chức, vì nghi ngờ về chất lượng. Bởi, việc giải ngân ngân sách hỗ trợ đào tạo thường do đơn vị thiếu chuyên môn về đào tạo thực hiện, tổ chức thiếu chuyên nghiệp và thiếu kỹ năng phân tích tính phù hợp của chương trình đào tạo đối với DN. |