Nâng cao trách nhiệm người quyết định đầu tư

(SGGP). – Ngày 29-8, hai dự án luật kinh tế quan trọng vừa được cho ý kiến tại phiên họp mở rộng của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: dự án Luật Đầu tư công và dự án Luật Phá sản (sửa đổi).

(SGGP). – Ngày 29-8, hai dự án luật kinh tế quan trọng vừa được cho ý kiến tại phiên họp mở rộng của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: dự án Luật Đầu tư công và dự án Luật Phá sản (sửa đổi).

Trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đầu tư công tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, dự thảo trình lần này đã khắc phục được rất nhiều điểm chồng chéo đã được chỉ ra trước đây. Riêng nguồn vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật này, dự kiến sẽ quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo. Nội dung về chủ trương đầu tư, lập, thẩm định, phê duyệt các chương trình dự án đầu tư trong dự thảo lần này không trùng lắp với Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nêu vấn đề: “Cần cụ thể hóa nguồn kinh phí cho công tác chuẩn bị đầu tư, chứ không thể bố trí từ nguồn sự nghiệp. Ngoài ra, vốn tín dụng của nhà nước có được coi là vốn nhà nước hay không? Các dự án đầu tư từ nhiều nguồn (như dự án đầu tư công tư kết hợp PPP) có chịu sự điều chỉnh của luật này không? Nếu có thì tỷ lệ vốn công là bao nhiêu thì chịu sự điều chỉnh của luật”?

Trong khi bãi bỏ tới 14 điều của Luật Phá sản 2004 và sửa đổi, chỉnh lý nhiều điều khác thì dự thảo lần này vẫn quy định không áp dụng Luật Phá sản đối với đối tượng cá nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh (không phân biệt loại hình tổ chức, quy mô và ngành nghề kinh doanh). Ban soạn thảo cho rằng, pháp luật hiện hành không quy định tất cả các trường hợp thuộc loại này phải có đăng ký vốn. Hơn nữa, theo quy định của pháp luật dân sự, các đối tượng nêu trên phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của họ.

Về tiêu chí xác định tình trạng phá sản, Ban soạn thảo cho rằng cần sửa đổi theo hướng “DN, HTX không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu, thì coi là lâm vào tình trạng phá sản”. Ngược lại, dự thảo mới tỏ ra chặt chẽ hơn với các giao dịch bị coi là vô hiệu. Theo đó, mọi giao dịch của DN, HTX nhằm mục đích tẩu tán tài sản của DN, HTX đều có thể bị tuyên vô hiệu mà không nhất thiết phải trong thời gian 3 tháng trước ngày tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Đại diện Bộ Tài chính cho rằng việc không mở rộng đối tượng áp dụng Luật Phá sản là “mâu thuẫn với nội dung đề xuất được thể hiện tại báo cáo về mục tiêu, định hướng xây dựng Luật Phá sản (sửa đổi)”.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục