Việc ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế tổng thể (FEED) giữa Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Công ty Amec Foster Wheeler Energy Limited (Anh) vừa qua đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong quá trình phát triển.
Theo kế hoạch, nhà máy sẽ được nâng công suất hiện tại từ 6,5 triệu tấn/năm lên 8,5 triệu tấn/năm, đồng nghĩa với tổng vốn đầu tư của cả hai giai đoạn của nhà máy lên gần 5 tỷ USD. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên BSR nhận định tuy việc đầu tư có chậm nhưng chưa muộn!
Ông Nguyễn Hoài Giang
- Phóng viên: Xin ông cho biết nghĩa của hợp đồng FEED?
>> Ông NGUYỄN HOÀI GIANG: FEED sẽ xác định những yêu cầu quan trọng nhất để đặt nền tảng cho việc nâng cấp, mở rộng nhà máy, đó là: xác định những nhà cung cấp bản quyền công nghệ cho các phân xưởng mới của nhà máy; những yêu cầu tối ưu hóa nhà máy đang hiện hành để kết nối an toàn, hiệu quả nhất sau khi đã nâng cấp mở rộng; những yêu cầu chung nhất, quan trọng nhất để tiết kiệm thời gian trong giai đoạn thiết kế chi tiết, mua sắm, lắp đặt và chạy thử nhà máy lọc dầu giai đoạn 2. Khối lượng công việc phải nói rất nhiều, rất phức tạp nhưng chỉ thực hiện trong vòng 15 tháng (từ tháng 8-2015 đến tháng 11-2016). Tuy nhiên, Công ty Amec Foster Wheeler là nhà thầu thiết kế tổng thể cho nhà máy ở giai đoạn 1, đã từng phối hợp chặt chẽ với BSR nên chúng tôi tin tưởng nhà thầu sẽ thực hiện thành công hợp đồng FEED.
- Tính cấp bách phải nâng cấp, mở rộng nhà máy là gì, thưa ông?
Ở giai đoạn 1, khi thiết kế và xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, do kinh phí đầu tư hạn hẹp nên chỉ ưu tiên xử lý nguồn dầu Bạch Hổ nhẹ, ngọt, ít lưu huỳnh. Tương lai gần, nguồn dầu Bạch Hổ sẽ cạn kiệt, để tăng hiệu quả, hiệu suất đột biến, tăng tính cạnh tranh hiện nay với các nhà máy lọc dầu khác, phải xác định được nguồn dầu thô và công nghệ phù hợp để thay thế hoàn toàn nguồn dầu Bạch Hổ. Theo tính toán, tổng chi phí vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất khoảng 96% - 97%, các chi phí còn lại chỉ 3% - 4%. Vì vậy, buộc phải nâng cấp nhà máy để có nguồn dầu vào rẻ hơn đến từ Trung Đông, Tây Phi và Nga. Đây là những chủng loại dầu chua, nặng hơn, nhiều tạp chất hơn dầu Bạch Hổ. Như vậy, hiệu quả kinh tế mới được nâng cao.
- Việc nâng cấp, mở rộng nhà máy liệu có tăng được tính cạnh tranh?
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đến thời điểm này vẫn là nhà máy lọc dầu số 1, nhưng sẽ mất vị trí này nếu chúng ta không đảm bảo tính cạnh tranh sòng phẳng. Vì các nhà máy lọc dầu số 2, số 3 của các nhà đầu tư nước ngoài, các liên doanh trong và ngoài nước chắc chắn sẽ được xây dựng và có tính cạnh tranh rất cao, đặc biệt về công nghệ kỹ thuật. Như vậy, phải tiếp tục đầu tư để Nhà máy Lọc dầu Dung Quất mang hình mẫu của một nhà máy lọc dầu tiên tiến, hiệu quả, hiệu suất cao nhất.
- Bây giờ mới bắt đầu nâng cấp, mở rộng liệu có chậm không, thưa ông?
Từ năm 2010, Chính phủ đã giao PVN và BSR bắt tay thực hiện những bước đầu tiên để nâng cấp mở rộng nhà máy, đáng tiếc bây giờ mới hiện thực hóa bằng việc ký hợp đồng thiết kế FEED. Tuy nhiên, vẫn chưa quá muộn, tất cả còn ở phía trước, quan trọng là tiến độ, chất lượng thi công. Theo thông lệ các nhà máy khác trên thế giới thực hiện nâng cấp, mở rộng phải đến năm 2022 mới xong. Tuy nhiên, chúng ta sẽ cố gắng rút ngắn thời gian, sớm đưa vào hoạt động với cấu hình công nghệ mới, hiệu quả, hiệu suất mới để tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế
- Xin cảm ơn ông!
MINH KHÔI (thực hiện)