Nàng Chăng Cà Mum tái xuất

Lâu lắm rồi, có tới gần hai chục năm trời, tôi không còn nghe ai gọi tôi bằng đồng chí, có lẽ vì tôi được miễn sinh hoạt Đảng theo điều lệ!? Rõ ràng tôi không có sao hết, tôi thật sự yên tâm. Tháng 8-2014, tôi được 65 năm tuổi Đảng.
Nàng Chăng Cà Mum tái xuất

Lâu lắm rồi, có tới gần hai chục năm trời, tôi không còn nghe ai gọi tôi bằng đồng chí, có lẽ vì tôi được miễn sinh hoạt Đảng theo điều lệ!? Rõ ràng tôi không có sao hết, tôi thật sự yên tâm. Tháng 8-2014, tôi được 65 năm tuổi Đảng.

Nhà thơ Lê Giang (giữa) cùng các bạn văn nghệ sĩ trong một đợt sưu tầm dân ca. Ảnh: Nguyên Thắng

Nhà thơ Lê Giang (giữa) cùng các bạn văn nghệ sĩ trong một đợt sưu tầm dân ca. Ảnh: Nguyên Thắng

Không còn nghe ai gọi tôi bằng đồng chí. Bù lại, tôi không có tâm trạng bị hao hụt, bị mất mát, bị bỏ quên, bị lọt sổ mà thay vào hai tiếng đồng chí, tôi nhận được bao tiếng gọi vừa đầm ấm thân thương, vừa tin yêu gởi gắm, chẳng khác gì tiếng gọi “Vạn sự khởi đầu nan” mà cuộc đời đã mở cửa, vẫy gọi tôi hãy bạo gan bước vào: đồng chí Kim!

Có lần, tôi nhận được những bức thư hâm mộ tôi, hoặc những công văn của Hội Nhà văn Việt Nam, mà tôi là hội viên, gởi cho “ông Lê Giang”. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, bạn cơm nguội ở rừng với chúng tôi thấm ý, cười mím chi cọp, vỗ đùi hưởng ứng: Người sao thì được gọi vậy!

Lúc còn sanh tiền, nhạc sĩ Xuân Hồng cắc cớ gọi “trại”(1) tên tôi là monsieur Le Jean và hay bàn bạc với tôi những chuyện trời ơi đất hỡi. Anh dặn dò tôi: Trong khi đi sưu tầm dân ca, ông bà mình cho cái gì lấy cái nấy. Cái vụ này quý lắm, monsieur Le Jean đừng có mắc cỡ, đừng có tỏ ra đạo đức gia giáo, cứ hốt hết đem về. Tôi thầu hết, tôi xào nấu cho thiên hạ cười chơi cho khỏe. Anh xúi tôi cứ lấy thương hiệu Le Jean, đừng có kim chỉ gì mắc công, một Kim người ta còn ngán, năm Kim nghe dữ quá! Anh muốn gọi tôi bằng gì cũng được, miễn đừng bắt chước mấy tay thiếu thiện chí nói lái tên Lê Giang của tôi, tôi ghét lắm!

Nói thật, trong mấy anh em thường rủ nhau đi xa thành phố để lượm lặt niềm vui, tôi rất mến anh ba Xuân Hồng. Anh chân thật, chẳng ai sợ anh “đá giò lái” bất tử.

Và, tôi đã “giấu mặt” đem về cho ông anh những bài vè CÀ, vè KÉN CHỒNG, vè NÓI LÁI... Nhà Văn hóa Thanh niên trong những năm 80, 90 được cái duyên Xuân Hồng chọc cười lăn chiên, bò càng, bò niểng... Lần nào chọc cười xong, anh đi tìm “kẻ giấu mặt” bắt tay: Monsieur Le Jean thấy chưa!

Hồi còn là láng giềng, nhà văn Hoài Anh có viết một bài kỷ niệm cho tôi. Anh viết: Chị có xương sống một người đàn ông và trái tim của một người đàn bà. Chị là đàn bà với những người đàn ông và đàn ông với những người đàn bà!! Tôi xem đi xem lại “bệnh án” cuộc “đại phẫu thuật” của Hoài Anh về tôi. Nhưng may quá. Hoài Anh có chua thêm, rằng thì là: Chị vừa có tính cách của một chiến sĩ, vừa có tâm hồn của một nhà thơ... Tôi thở phào, cảm ơn Hoài Anh. Cảm ơn người bạn láng giềng đêm đêm xé bản thảo nấu nước pha trà, đã dành cho tôi bao lời khen ngợi và nhận xét, so sánh tôi với những người đi trước, làm cho tôi thật áy náy, buộc tôi luôn suy nghĩ...

Thật ra, con người sống trên đời, cái tên cái tuổi do cha mẹ đặt đã đành, nhưng cũng có nhiều người do cái tài, cái tật, cái xấu, cái tốt đặt tên. Và, chết cứng với cái tên ngoài đời.

Các bạn chắc không ngờ thời thơ ấu, tôi có cái tên là “Chăng Cà Mum”. Cái tên đã gieo vào tâm trí non nớt của tôi một số phận bất hạnh cho đến khi tôi biết tự mình phải va chạm khắc nghiệt với cuộc đời.

– Chăng Cà Mum lấy ống nhổ cho ngoại nhổ cổ trầu.

– Chăng Cà Mum xấu xí, đen đúa, khó dạy, khóc dai, mặt mũi tối hù, khó thương!

– Ê! Chăng Cà Mum, biểu coi! Đi mua tương! Đi quết chuối cho heo ăn...

– Mày có biết mày là con của mẹ Miên bán cốm dẹp. Nó bỏ mày vô cái thúng, rồi bỏ mày chỗ cây điệp kia kìa!

Lời mắng nhiếc, những trận đòn, bắt tôi phải lây lất sống thui thủi một mình. Tôi càng lì lợm chống trả, càng khó dạy trong cảnh đi làm con nuôi cho người chị của má tôi.

Thôi! Chuyện của hàng thế kỷ mà. Kể lể lại cũng không phải lẽ đối với cái tuổi thơ phần số. Dĩ nhiên, càng lớn, càng sống, tôi càng thầm cảm ơn số phận. Và, cái tên Chăng Cà Mum - có khi - trên đường mưa gió, tôi kể đôi lần với người đàn ông bên cạnh tôi: “Hồi nhỏ, em tên là Chăng Cà Mum, con của bà Miên bán cốm dẹp, trời khiến ngày nay đi sưu tầm dân ca Khmer Nam bộ với nhạc sĩ Nguyễn Văn Hoa, còn chuyển cho bòn(2), Hoa hàng trăm bài dân ca trữ tình Khmer ra tiếng Việt”.

Tưởng chuyện Chăng Cà Mum vậy là cho qua, không ngờ tờ báo Thanh Niên ngày 12-8-2013 chạy cái tít to đùng: “Nàng Chăng Cà Mum của Nguyễn Chánh Sắt”. Có nội dung: Mỗi khi nhắc đến nàng Chăng Cà Mum, người ta lại phải nhớ về xứ lụa Tân Châu (An Giang). Nàng Chăng Cà Mum kết cỏ hậu, nhưng ông Chăng Cà Mum lại đoạn trường...

Ôi, chuyện xưa tích cũ! Dù gì, tôi cũng xin chút xíu phần phước “kết có hậu” của nàng Chăng Cà Mum trong Biên niên sử xứ An Giang. Và, biết đâu chừng cái kết có hậu của tôi đã hiển hiện hơn nỗi đa đoan mà tôi đang nghe, như một bài ca được cất lên bằng âm thanh của chớp bể mưa nguồn.

– A lô! U già đấy ư? Chừng nào thì U trở lại Thổ Chu với chúng con!

– A lô! Vú già đang ở đâu vậy? Con đi ngang chỗ Vú già từng ở, nhìn lên căn hộ rêu phong cheo leo, điêu tàn quá, ngậm ngùi quá, Vú ơi!

– A lô! Con gởi bánh tét nhưn chuối cho ba mẹ. Trưa mai ba mẹ sẽ có bánh tét Sài Gòn, ngồi bên bãi biển Xóm Chài, vừa ăn vừa nhớ mấy đứa con gái trong bài Vè kén chồng!

– Ừ, ở ki-lô-mét số 6, sát biển. Ừ, chiều nào trời cũng gầm chuyển mà làm biếng không chịu mưa!!

—————

(1) Trại: trài trại, hơi giống, mang máng

(2) Tiếng Khmer, bòn là anh

LÊ GIANG

Tin cùng chuyên mục