Nâng chất hàng Việt

Tâm lý sính hàng ngoại của số đông người dân không đơn thuần xuất phát từ thị hiếu mà còn ở chất lượng sản phẩm. Đại diện nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh ngành công nghiệp không khói đã khẳng định, chất lượng sản phẩm trang trí nội thất nội địa còn quá kém. So với hàng ngoại thua xa cả mẫu mã lẫn độ bền sản phẩm.

Đơn cử như đối với thiết bị điện chiếu sáng, phần lớn hệ thống khách sạn vẫn đang sử dụng thiết bị ngoại nhập. Lãnh đạo các đơn vị đều khẳng định mặc dù họ đã cố gắng và rất muốn sử dụng thiết bị điện nội địa nhưng không thể, vì chỉ sử dụng một thời gian ngắn là các thiết bị này xuống cấp nghiêm trọng. Nếu tiếp tục sử dụng thì chi phí thay thế quá tốn kém, còn nếu tiết kiệm không thay thế sẽ ảnh hưởng đến chỉ số hài lòng của khách hàng.

Đây là một thí dụ đơn giản trong số hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm nội địa đang bị khách hàng từ chối sử dụng ở nhiều lĩnh vực. Nhiều doanh nghiệp và người dân cho rằng, việc Nhà nước kêu gọi “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một chủ chương hết sức đúng đắn. Cách làm này vừa giúp phát triển nền kinh tế nước ta một cách căn cơ, góp phần chống suy giảm kinh tế. Quan trọng hơn là tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam vươn tầm hội nhập.

Trên thực tế, chính sách này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, đã triển khai từ lâu. Với họ, sản phẩm có chất lượng tốt nhất chính là những sản phẩm mà các doanh nghiệp sản xuất phục vụ ngay tại thị trường nội địa. Họ quan niệm rằng cần củng cố thị trường nội địa trước, xuất khẩu sau. Do đó, trong trường hợp thị trường thế giới xảy ra biến động, các doanh nghiệp vẫn trụ vững vì có “hậu phương” vững chắc!

Điều này hoàn toàn trái ngược với quan điểm của các doanh nghiệp nước ta. Xu hướng sính thị trường ngoại đã khiến các doanh nghiệp tập trung xuất khẩu những sản phẩm tốt. Còn những sản phẩm lỗi, kém chất lượng hoặc sản phẩm bị thị trường xuất khẩu trả về thì mới bày bán cho dân chúng. Các hành xử này khó tránh khỏi việc người dân trong nước quay lưng lại với sản phẩm nội địa và củng cố tâm lý sính hàng ngoại. Kết quả các doanh nghiệp nước ta bị thiệt đơn, thiệt kép.

Tuy nhiên, muộn vẫn hơn không. Hiện nay chủ trương “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã nhận được sự đồng thuận cao, rất tích cực của cộng đồng dân cư. Vấn đề còn lại là doanh nghiệp phải nghiêm túc xem xét, đề ra phương án nâng chất hàng hóa để không phụ lòng người tiêu dùng. Mặt khác, hiện có không ít sản phẩm của tập đoàn nước ngoài nhưng lại nhập nhằng nhãn mác Việt Nam khiến người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn đó là sản phẩm Việt.

Do đó, bên cạnh chiến dịch kêu gọi người dân sử dụng hàng Việt, các cơ quan chức năng cần có nhiều biện pháp nhằm phân định rõ đâu là sản phẩm Việt và đâu là sản phẩm ngoại. Có như vậy thì sự hưởng ứng, sự lựa chọn sản phẩm Việt của người tiêu dùng nước ta mới đúng chỗ, mang lại hiệu quả.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục