Các nhà khoa học trẻ ở TPHCM

Năng động, bản lĩnh, tài giỏi

Năng động, bản lĩnh, tài giỏi

Nếu chỉ tính riêng trong lĩnh vực khoa học- công nghệ , ba mươi năm qua, ở TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện hàng vạn tài năng trẻ trưởng thành và đạt nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp vào công cuộc phát triển thành phố mang tên Bác. Chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từ số báo này, trang Tri thức - Công nghệ Báo SGGP xin giới thiệu một số gương mặt trẻ nổi bật.

  • Thạc sĩ Trần Minh Triết - chàng trai 10/10

Trần Minh Triết là người thường “gặt” các danh hiệu thủ khoa qua các mùa thi. Từ thủ khoa tú tài TPHCM năm 1997 đến Thủ khoa Trường ĐHKH Tự nhiên năm 2001 với điểm luận văn 10/10, rồi Thủ khoa Cao học CNTT Trường ĐH KHTN năm 2005, với điểm luận văn 10/10.

Năng động, bản lĩnh, tài giỏi ảnh 1

Th.S Trần Minh Triết

Chàng trai 26 tuổi có nụ cười hiền này còn giành hàng loạt giải thưởng về nghiên cứu khoa học: Giải nhất “Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ” năm 2001; Giải nhất giải thưởng “Sáng tạo kỹ thuật Vifotec” của Bộ GD-ĐT, Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam, Trung ương Đoàn và Hội sinh viên Việt Nam; Giải thưởng “Khoa học-Kỹ thuật thanh niên” của Trung ương Đoàn và Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia; Huy chương “Tuổi trẻ sáng tạo” của Trung ương Đoàn hai năm liền; Giải A “Tuổi trẻ sáng tạo hướng tới tương lai” của Trung ương Đoàn và Bộ KHCN; Giải nhất Eureka của Thành đoàn TPHCM…

Chưa thôi những ngày miệt mài với các công trình, những cuộc nghiên cứu thâu đêm để khám phá sự bí ẩn của khoa học, Triết đã phải bắt tay vào việc hướng dẫn cho các học trò chỉ kém mình… 2 tuổi. Với cương vị là giảng viên bộ môn Công nghệ phần mềm Trường ĐHKH-TN TPHCM, Triết càng có điều kiện tìm tòi sáng tạo.

Triết nói: “Trước thì được học với các thầy, các bậc tiền bối, giờ thì được học từ những bài làm của sinh viên, tôi thấy ở đâu tôi cũng được học hết”. Năm 2004, đề tài “Nghiên cứu một số thuật toán mã hóa và bảo vệ thông tin trong giao dịch điện tử”, một đề tài NCKH cơ bản cấp nhà nước của TS Dương Anh Đức và Trần Minh Triết được nghiệm thu xuất sắc, cũng là lúc các học trò của thầy Triết thay nhau đạt các giải Eureka và nghiên cứu khoa học cấp Bộ.

Vốn là cậu học trò của các lớp chuyên toán từ cấp 2 đến cấp 3, lên Đại học lại học tin học nên ai cũng cho rằng trong đầu Triết chỉ tồn tại những công thức và… công thức. Thế nhưng, các bạn và thầy cô của Triết lại tiết lộ: nhà khoa học trẻ này đã lớn lên cùng một chiếc dương cầm, và còn có “hoa tay” trong các ngón “cầm, kỳ, thi, họa”.

  • BS Tăng Chí Thượng, 37 tuổi điều hành một bệnh viện lớn

Năm 1984 khi tròn 17 tuổi, Tăng Chí Thượng, chàng trai quê ở Long An đã là sinh viên của Trường Đại học Y Dược TPHCM. Tốt nghiệp đại học, Tăng Chí Thượng “đeo” tiếp 4 năm nội trú. Năm 1994, khi tốt nghiệp ra trường, anh được nhận công tác tại Khoa cấp cứu Hồi sức của Bệnh viện Nhi đồng 1. Tại đây, năng lực chuyên môn và khả năng quản lý của anh đã sớm bộc lộ.

Năng động, bản lĩnh, tài giỏi ảnh 2

Bác sĩ Tăng Chí Thượng.

Năm 1997, khi tròn 30 tuổi, BS Tăng Chí Thượng được đề bạt làm Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh. Đối với anh, đây là một “dấu son” của cuộc đời. Dấu son này không phải đánh dấu sự thăng tiến trong nghề nghiệp mà anh tự nhận thấy mình làm được những việc có ích cho các cháu. Nhận “trọng trách” ở khoa Hồi sức sơ sinh, BS Tăng Chí Thượng đã đối diện với những khó khăn bởi tại thời điểm này chưa có bệnh viện nào trong cả nước có mô hình này. Mọi thứ đều phải nghiên cứu mày mò, kể cả một số trang thiết bị.

BS Thượng tâm sự: nhìn các cháu sơ sinh bị teo thực quản, hở thành bụng bẩm sinh, thoát vị hoành mà “đành buông”, chúng tôi ray rứt lắm. Thời đó chúng tôi cũng tiến hành phẫu thuật sơ sinh, nhưng đáng buồn là tỷ lệ tử vong rất cao. Lý do tử vong thật đơn giản: kỹ thuật hồi sức chưa đáp ứng được trong khi thể lực của trẻ sơ sinh rất yếu.

Với “ tài sản” vỏn vẹn 2 máy thở, 2 lồng ấp, 1 giường sưởi, Tăng Chí Thượng cùng với đồng nghiệp Khoa Hồi sức sơ sinh đã phải mày mò nghiên cứu thiết kế thêm nhiều trang thiết bị khác như giường hồi sức, đèn sưởi, đèn chiếu vàng da… Nhờ đó mà công tác phẫu thuật sơ sinh liên tục gặt hái nhiều thành công.

Hầu hết các ca dị tật sơ sinh trước đây đành phải bó tay, nay đều được giải quyết tốt và tỷ lệ tử vong phẫu thuật sơ sinh rất thấp: dưới 1%. Hiện nay, mỗi năm bệnh viện thực hiện 500 ca phẫu thuật sơ sinh. Điều đáng mừng là sự lớn mạnh của Khoa Hồi sức sơ sinh không chỉ đem đến sự thành công trong phẫu thuật sơ sinh mà còn giúp điều trị thành công nhiều bệnh lý nội khoa sơ sinh tốt hơn.

Năm 2004, 37 tuổi, BS Tăng Chí Thượng được đề bạt chức vụ Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1. Công việc quản lý bận rộn nên mặc dù rất nhớ nghề, nhưng quỹ thời gian ngoài quản lý chỉ còn đủ để anh tham gia các hoạt động điều phối hoạt động lâm sàng và tham gia hội chẩn.

Mặc dầu được thừa hưởng “gia tài” của vị Giám đốc tiền nhiệm nhưng BS Tăng Chí Thượng không bằng lòng với những gì đang có. Hai “gánh nặng” mà anh xác định hiện nay là phải vừa làm tốt công tác chỉ đạo tuyến vừa phát triển y tế chuyên sâu với sự hình thành các khoa mũi nhọn theo hướng phục vụ bệnh lý phổ biến - phục vụ số đông bệnh nhân. 

LINH AN - MINH ĐỨC

Tin cùng chuyên mục