Không khác mọi năm, những ngày tháng 7 năm nay, Đông Hà (Quảng Trị) lại tấp nập người xe đổ về từ khắp mọi miền đất nước. Khách sạn, nhà nghỉ không còn chỗ trống. Tìm một chỗ nghỉ trong những ngày này tại mảnh đất linh thiêng không phải là chuyện dễ dàng. Chiều muộn, bóng tối nhập nhòe Thành cổ, những đoàn người đến viếng, thắp hương vẫn lặng lẽ chờ đợi đến phiên mình. Hương khói vẫn nghi ngút ở Nghĩa trang Trường Sơn. Họ không chỉ là các cựu chiến binh tìm về đồng đội…
Cũng dễ hiểu thôi khi trên địa bàn tỉnh này hiện có đến 72 nghĩa trang liệt sĩ với gần 54.000 ngôi mộ và hơn 7.000 mộ liệt sĩ trong các nghĩa trang gia đình. Nhiều về số lượng, Quảng Trị còn mang nét đặc thù khi nghĩa trang liệt sĩ nào, dù lớn hay bé cũng có thể được xem là nghĩa trang quốc gia, bởi nơi đó là chốn yên nghỉ của những người con từ khắp các vùng miền Tổ quốc. Chưa kể, dù công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã được đặc biệt quan tâm từ những ngày đầu đất nước hoàn toàn giải phóng, nhưng đến nay vẫn còn hàng ngàn hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy, còn nằm đâu đó trong lòng đất mẹ… Máu xương của các anh đã trộn vào núi rừng Trường Sơn, đất đai Tổ quốc.
Đến Quảng Trị, không ai bảo ai nhưng những bước chân vẫn thường rất khẽ, rất nhẹ. Dọc các tuyến đường ở Thành cổ, chúng ta dễ dàng nhìn thấy các am thờ liệt sĩ trên các vỉa hè mà bát hương khi nào cũng đầy ắp chân hương. Những bà mẹ Quảng Trị vẫn ngày ngày thắp hương cho linh hồn các liệt sĩ xa quê… Nỗi đau này không ai được phép lãng quên!
27-7-2012, Ngày Thương binh - liệt sĩ của chúng ta đã vào “tuổi 65”. Trong hành trình nhân văn hơn nửa thế kỷ ấy, Đảng và Nhà nước cùng nhân dân ta đã luôn luôn nêu cao tinh thần đền ơn đáp nghĩa, nhiều cuộc vận động, nhiều chủ trương chính sách, hàng ngàn phong trào đã đi vào đời sống, góp phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của những anh hùng liệt sĩ, thương binh và thân nhân. Không ít những con người, những cuộc đời đã nguyện gắn bó đến hơi thở cuối cùng vì công cuộc đền ơn đáp nghĩa. Trong dòng chảy đó, những người làm báo Sài Gòn Giải Phóng, thông qua Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn và nhiều chương trình khác, rất tự hào vì đã góp phần công sức nhỏ nhoi để cùng cộng đồng thắp lên ngọn lửa yêu thương, trả nghĩa thế hệ cha anh đi trước.
Thế nhưng, tất cả những nghĩa cử, động thái ấy, so với sự hy sinh mất mát của những người đã khuất dường như vẫn chưa thấm vào đâu. Chúng ta vẫn cảm thấy nặng lòng khi còn quá nhiều thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình chính sách có công… đang phải chật vật với miếng cơm manh áo, đau đáu với ước mơ về một ngôi nhà trống trước hụt sau. Vẫn đau đáu với nỗi niềm của các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong… về nơi thắp nén hương cho các đồng đội mãi mãi không về. Và cả những nguyện vọng về tương lai của những chàng trai cô gái “mãi mãi tuổi 20” giờ chưa thực hiện được…
Công việc đền ơn đáp nghĩa, nếu chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ, giúp đỡ bằng vật chất, có lẽ sẽ dễ sa vào hình thức. Hơn thế nếu chỉ thực hiện một ngày, thậm chí một tháng trong năm, dù có rầm rộ đến cỡ nào cũng sẽ là điều vô nghĩa. Đó phải là công việc mỗi ngày. Quan trọng hơn hết, phải xuất phát từ chính lương tâm, từ trách nhiệm tự thân. Phát huy những ý nghĩa cao đẹp của công việc đền ơn đáp nghĩa trong dựng xây đất nước, vì sự trường tồn của dân tộc là việc mà các thế hệ phải mãi mãi khắc ghi!
H.UYÊN