Nâng mức ưu đãi cho ngành du lịch

Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới vừa được ban hành, trong đó có một nội dung hẳn sẽ được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Đó là việc rà soát các quy định của pháp luật, báo cáo Chính phủ trước ngày 30-6-2015 để nâng mức ưu đãi đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh các lĩnh vực khách sạn, lữ hành, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Phạm vi ưu đãi khá rộng, bao gồm việc giảm thuế sử dụng đất và tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư cơ sở lưu trú, khu du lịch sử dụng nhiều diện tích cho không gian cảnh quan; tạo thuận lợi cho nhập khẩu các trang thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dụng cần thiết để phát triển du lịch cao cấp mà trong nước chưa sản xuất được (như: tàu cánh ngầm, du thuyền, thủy phi cơ, máy bay hạng nhỏ, khinh khí cầu đạt chuẩn quốc tế)...

Được hỏi về tác động của nghị quyết này, một nhà đầu tư thẳng thắn cho rằng, ông hoan nghênh và hoàn toàn tin vào quyết tâm của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư nói chung và thu hút đầu tư để phát triển du lịch nói riêng, song từ chủ trương đến thực tế còn rất nhiều trở ngại phải vượt qua. Đặc biệt là con đường thủ tục vẫn rất dài. Quan niệm của các cơ quan quản lý có liên quan cũng đã rất khác nhau, dẫn đến sự phối hợp khó lòng nhuần nhuyễn, hiệu quả.

Lấy ví dụ hai chiếc thủy phi cơ vừa được nhập về chủ yếu để phục vụ các chuyến bay du lịch - ngắm cảnh, nhà đầu tư cho biết, tuy là được khuyến khích, nhưng đến nay thủ tục để được cất cánh khá phức tạp. Muốn bay một chặng ngắn chưa đến 1 giờ từ Hà Nội đi Hạ Long chẳng hạn, du khách phải mất 1 giờ di chuyển tới sân bay Nội Bài (nếu không kẹt xe); để rồi sau khi quay lại Thủ đô cũng sẽ mất ít nhất 1 giờ nữa để về lại trung tâm thành phố. Đủ để cảm giác “đặc biệt”, “ấn tượng” nhạt nhòa. Chi tiết nhỏ, nhưng không kém phần quan trọng khác: quầy check-in của hãng hàng không này được xếp rất khiêm tốn ở góc xa nhất của Cảng Hàng không Nội Bài, khiến du khách - những người đã bỏ ra nhiều tiền hơn đa số hành khách nội địa chỉ để bay một chuyến rất ngắn - có cảm giác “hành khách loại 2”… mà du khách thấy phiền, thấy chưa hài lòng thì dịch vụ sao có thể phát triển?

Có lẽ vì vậy mà một mặt khẳng định nhận định lạc quan về môi trường đầu tư, mặt khác, ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital, một người có 20 năm kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam luôn kiến nghị Chính phủ có những giải pháp mạnh mẽ để biến các cam kết thành hiện thực cụ thể. Đó chính là điều mà các nhà đầu tư, dù trực tiếp hay gián tiếp, dù trong nước hay nước ngoài, dù ở lĩnh vực du lịch hay bất kỳ một lĩnh vực sản xuất kinh doanh nào khác đều mong mỏi.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục