Quyết định của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bố trí thêm quân ở Đông Âu cho thấy tổ chức này đang chuẩn bị cho cuộc leo thang vũ trang quy mô lớn ở châu lục này kể từ thời Chiến tranh lạnh.
Báo chí Đức dẫn lời Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo kế hoạch tăng gần 4.000 binh sĩ tại vùng Baltic và Ba Lan trong nửa đầu năm 2017. Theo đó, các thành viên NATO dự định triển khai ở gần biên giới Nga khoảng 4.000 binh sĩ và trong trường hợp cần thiết sẽ nối kết lực lượng phản ứng nhanh với 40.000 quân. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen xác nhận, Đức sẽ đưa xe tăng tân tiến Leopard 2 và hơn 600 binh sĩ đến khu vực biên giới Litva với Nga.
Trong khi đó, tờ nhật báo Die Welt của Đức còn dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng nước này cho biết, xe tăng Leopard 2 chỉ là một trong nhiều vũ khí hạng nặng Đức sẽ cử đến Litva. Tờ Der Tagesspiegel của Đức còn đưa tin, một lực lượng NATO gồm 1.000 binh sĩ dưới sự chỉ huy của Đức sẽ đồn trú và hoạt động tại Litva kể từ tháng 6-2017, đây là lực lượng được trang bị “tận răng” và có thể tham chiến mọi lúc mọi nơi.
Động thái đi đầu này của Đức cho thấy quyết tâm kêu gọi các hành động theo sau của các nước thành viên NATO trong việc đối đầu với Nga tại Bắc Âu. Trong khi đó, Anh sẽ triển khai binh lính, xe tăng, thiết giáp và máy bay chiến đấu đến Estonia, các lực lượng Anh và Romania sẽ gia nhập vào đội quân của Mỹ ở Ba Lan. Như một phần của chiến dịch triển khai quân sự lớn nhất của NATO ở Đông Âu, lực lượng máy bay chiến đấu thuộc không quân Hoàng gia Anh cũng sẽ lần đầu tiên được phái đến tuần tra không phận Romania. Các thông tin về các hoạt động triển khai lực lượng quân sự này được đưa tin rầm rộ cho thấy kế hoạch bao vây và tăng áp lực với Nga của NATO đã được tính toán khá kỹ lưỡng.
Phản ứng với diễn biến này, Đại diện thường trực của Nga tại NATO Aleksander Grushko tuyên bố, Nga sẽ đáp trả hành động tăng cường hiện diện quân sự của liên minh quân sự tại Litva, Latvia, Estonia và Ba Lan. Báo Izvestia ngày 31-10 dẫn lời ông Grushko cho rằng, không có bất kỳ tín hiệu tích cực nào đối với quan hệ Nga - NATO và xu hướng này ngày càng tồi tệ. Việc tăng quân của NATO sát biên giới Nga đang tạo nên những “rủi ro rõ ràng”.
Ông Grushko còn cho rằng, NATO đang tạo ra những kho vũ khí và khí tài ở Đông Âu, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng để dễ dàng điều động các đơn vị quy mô lớn, tổ chức nhiều đợt tập trận ngay sát biên giới Nga. Những hành động này vi phạm Thỏa thuận cơ bản Nga - NATO, các hoạt động quân sự của NATO ở biển Đen rõ ràng là bố trí lực lượng chứ không phải để thực hiện nhiệm vụ phòng thủ và chống khủng bố như lời các quan chức NATO ngụy biện.
Theo giới phân tích quốc tế, xét về quy mô tăng cường vài ngàn quân tới vùng biên giới với Nga của NATO chẳng bõ bèn gì nên việc rầm rộ thông báo từ các nước trong liên minh này chỉ mang ý nghĩa trấn an tâm lý. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình thế giới diễn biến phức tạp, việc gia tăng căng thẳng quân sự tại khu vực kể trên thực sự là một diễn biến đáng lo ngại.
VIỆT LÊ