Nelson Mandela: Biểu tượng quốc tế

Nelson Mandela: Biểu tượng quốc tế

Hôm nay 27-6, buổi biểu diễn khổng lồ mang tên “46664” với số vé bán ra cũng là 46.664, sẽ diễn ra tại Hyde Park ở thủ đô London (Anh), cùng sự tham gia của các ngôi sao hàng đầu thế giới. Đây là hoạt động mở đầu tuần lễ âm nhạc dành tặng cựu tù nổi tiếng người Nam Phi Nelson Mandela, nhân dịp ông tròn 90 tuổi.

Vui - buồn quanh số 46664

Buổi hòa nhạc diễn ra 20 năm sau khi có buổi biểu diễn lịch sử ở Wembley mừng ngày ông Mandela được trả tự do sau 27 năm trong tù. Tại Nam Phi, sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa như tặng sách, triển lãm và mở tranh luận về tự do, bình đẳng giới, không phân biệt chủng tộc. Số tiền thu được sẽ chuyển vào Quỹ 46664, tổ chức phòng chống căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Nelson Mandela: Biểu tượng quốc tế ảnh 1

Ông Nelson Mandela với các trẻ em Nam Phi.

Khi còn bị giam trong nhà tù ở đảo Robben, cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela - người chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid - mang số áo tù là 46664.

Con số gắn liền với quãng đời không thể quên của nhà lãnh đạo, gợi nhớ đến những trận đòn roi, tủi nhục trong nhà tù. Và nay, đối với những người ngưỡng mộ ông, con số này giờ là con số được ưa chuộng. Nhiều người trong số họ muốn là chủ thuê bao số điện thoại này ở Nam Phi.

Điều thú vị là, chính ông Mandela cũng từng phải kiên quyết tìm mọi cách giành cho bằng được số thuê bao đó! Thế là vị cựu tổng thống 86 tuổi này đã đến làm việc với Phòng đăng ký bản quyền nhãn hiệu của Nam Phi để yêu cầu họ cấp cho ông quyền đặc biệt được sở hữu những tên hiệu và con số liên quan tới cuộc đời hoạt động của ông, như con số kể trên, bí danh Madiba, Xhosa hay Rolihlahla.

Đấu tranh cho hòa giải dân tộc

Nelson Rolihlahla Mandela sinh ngày 18-7-1918 tại Qunu. Trước khi trở thành tổng thống đầu tiên của Nam Phi trong một cuộc bầu cử dân chủ, Mandela là một nhà hoạt động chống nạn phân biệt chủng tộc xuất chúng và là lãnh đạo của Đại hội dân tộc Phi (ANC). Tuy nhiên, chính phủ của chế độ apartheid và những nước đồng thuận với nó đã lên án Mandela và ANC là khủng bố.

Ông trở thành nhân vật bị những người Nam Phi da trắng, những người ủng hộ chế độ phân biệt chủng tộc và các lực lượng đối lập với ANC căm ghét. Ông bị kết án tù chung thân vì tội phá hoại chính trị sau khi tham gia các hoạt động bí mật và đấu tranh vũ trang của tổ chức ANC.

Trong 27 năm ở tù, mà phần lớn thời gian bị giam trong xà lim trên đảo Robben, ông nổi tiếng là người đấu tranh mạnh mẽ chống nạn phân biệt chủng tộc. Hoạt động sâu rộng, kiên quyết khiến ông Mandela trở thành một biểu tượng văn hóa của tự do và bình đẳng, có thể so sánh với Mahatma Gandhi.

Dưới sức ép của dư luận trong nước và quốc tế, ngày 2-2-1990, Nelson Mandela được trả tự do và tiếp tục hoạt động để đạt mục đích của mình. Ông đạt bước ngoặt khi chuyển sang chính sách hòa giải và thương lượng, thúc đẩy sự chuyển đổi sang nền dân chủ đa chủng tộc tại Nam Phi.

Từ khi chế độ phân biệt chủng tộc chấm dứt, ông nhận được sự ca ngợi khắp nơi, kể cả người Nam Phi da trắng và từ các thế lực đối lập trước kia. Ông đã được bầu làm Tổng thống Nam Phi sau khi chế độ apartheid sụp đổ.

Đấu tranh vì người nghèo

Nghỉ hưu năm 1999, sau một nhiệm kỳ duy nhất, người cựu tù sống với gia đình ở Houghton, khu phố sang trọng ở thủ đô Johannesburg, khi thì ông sống ở quê hương Qunu, lúc lại ở Maputo, thủ đô Mozambic.

Không tham gia chính trường, nhưng ông Mandela tiếp tục “cuộc chiến” khác - chiến đấu vì trẻ em, người nghèo. Thông qua quỹ mang tên mình, ông tập trung vào nghiên cứu, bảo vệ trẻ em, các bé gái phải chịu hủ tục; đấu tranh để mọi người ai cũng được tiếp cận hệ thống chủng ngừa.

Công việc của ông rất khó khăn, vì ông phải đối mặt với một chính phủ cho đến năm 2003 vẫn từ chối phân phát thuốc vaccine vì cho rằng chúng “có độc”. Quỹ của ông tích cực tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS với số thành viên hiện lên tới hơn 5,6 triệu người. Khẩu hiệu đấu tranh của quỹ Nelson Mandela là “HIV/AIDS không phải là căn bệnh đơn giản, đó là ván bài đặt cược của nhân quyền”.

Ngoài Quỹ Nelson Mandela, nhà lãnh tụ Nam Phi còn có niềm say mê đặc biệt với các trẻ em Nam Phi, nhất là những bé sống ở nông thôn nghèo. Mục đích của ông rất giản dị: thúc đẩy dân chủ, mang lại ý nghĩa, chất lượng sống cho các bé.

Từ đó, Học viện Mandela ra đời với tiêu chí hoạt động tập trung vào nghiên cứu, phát triển giáo dục, đào tạo để đảm bảo mọi trẻ em đều được hưởng nền giáo dục cơ bản. Hàng trăm dự án của học viện đã được triển khai thành công và ngày càng được nhân rộng.

Cho đến khi nhà lãnh đạo Mandela chuẩn bị thổi 90 ngọn nến của đời mình, nhiều người vẫn tự hỏi câu hỏi từ bao lâu nay “Điều gì sẽ đến sau Mandela?”. Câu hỏi này cũng không gây ngạc nhiên vì những gì Nelson Mandela đã làm thật đáng ngưỡng mộ. Peter Magubane, nhà báo - nhà nhiếp ảnh, người từng “bất tử hóa” Mandela trong suốt cuộc đời ông, trước và sau khi đi tù, khẳng định không có “nhân vật khác thường” này, việc thương lượng chấm dứt chủ nghĩa apartheid năm 1991, các cuộc bầu cử đa sắc tộc đầu tiên năm 1994 sẽ không thể thành công đến mức được gọi là “sự thần kỳ Nam Phi”.

Mặc dù không thể một mình đáp ứng được hết các vấn đề đặt ra ở đất nước mình, Nelson Mandela đã đặt những viên đá tinh thần đầu tiên về một nước “Nam Phi mới”. George Bizos, luật sư da trắng đã bảo vệ Mandela chống lại chế độ phân biệt chủng tộc trong vụ kiện nổi tiếng Rinovia năm 1963 nhận xét “ông ấy đã để lại một di sản bền vững”.

Các chiến hữu của ông trong đảng Quốc đại châu Phi (ANC) ca ngợi ông là “nhà lãnh đạo mạnh mẽ, chân thật, nhân văn, một người lao động vĩ đại chưa bao giờ đề cao cái tôi. Ông được cả thế giới ngưỡng mộ”.

Hơn một phần tư thế kỷ trong tù rõ ràng đã tạo nên ở con người này một cái nhìn vĩ mô và một triết lý sâu sắc. Chính uy quyền và sự đúng đắn của một chính khách chân chính, khả năng nhìn xa trông rộng, và đoán trước được tình hình cho đến thắng lợi cuối cùng, mà trên hết là khả năng hòa giải cũng như kiến tạo hòa bình, đã làm nên thành công ở con người này.

Ông đã vinh dự được nhận hơn 100 giải thưởng và phần thưởng khác nhau, trong đó đáng chú ý nhất là giải Nobel vì hòa bình năm 1993, nhờ những nỗ lực đấu tranh không ngừng nghỉ cho quyền lợi của người da màu. 

VIỆT KHUÊ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục