Nelson Mandela sải bước vào sân, trên mình là chiếc áo màu xanh truyền thống của đội tuyển bóng bầu dục quốc gia Nam Phi (biệt danh Springboks), cầu trường dậy tiếng hô vang “Nelson! Nelson!”. Phần đông trong số là người da trắng, những người từng xem Mandela là… kẻ khủng bố.
Sự kiện ấy diễn vào năm 1995 (một năm sau khi Nelson Mandela đắc cử Tổng thống Nam Phi), khi đất nước này đăng cai World Cup bóng bầu dục trong sự lo lắng và ngờ vực bởi vết thương hằn sâu từ chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid. Nhưng kể từ ngày 24-6-1995 ấy, khi Nelson Mandela - biểu tượng của phong trào chống phân biệt chủng tộc - trao chiếc cúp vô địch cho Springboks đến nay, Nam Phi đã phần nào thay đổi trong mắt bạn bè quốc tế. Và 15 năm sau, một World Cup khác sẽ diễn ra tại Nam Phi, VCK Cúp bóng đá thế giới lần thứ 19 hy vọng sẽ nâng hình ảnh của đất nước này lên một tầm cao mới.
“Đó là một cơ hội lớn để đất nước chúng tôi giới thiệu đến thế giới bên ngoài về tiềm năng của mình. Chúng tôi là một đất nước rộng lớn, một quốc gia tốt đẹp”. Kobus Wiese - một thành viên của Springboks hồi năm 1995 tuyên bố.
World Cup là sự kiện được xem là lớn nhất so với bất kỳ hoạt động thể thao nào trên thế giới. Nam Phi đang có cơ hội giới thiệu hình ảnh của mình đến với hơn 350.000 người hâm mộ và du khách sẽ đến trong suốt 1 tháng diễn ra giải. Với 64 trận đấu diễn ra tại 9 thành phố khác nhau, được truyền hình trực tiếp trên toàn thế giới, cũng sẽ có hàng tỷ người đang nhìn vào đất nước này. Trong nỗ lực của mình, Nam Phi cũng đã nâng cấp sân bay, đường giao thông, hệ thống đường sắt và khách sạn… Với quyết tâm tổ chức thành công World Cup 2010, biến đất nước này thành một điểm đến quan trọng về kinh tế và du lịch.
Đội tuyển bóng đá quốc gia Nam Phi (Bafana Bafana) không giống như Springboks năm 1995. Nghĩa là sẽ khó có phép màu nào xảy ra với đội bóng đang xếp ở vị trí 88 trên bảng xếp hạng FIFA. Nhưng điều quan trọng là màn trình diễn của đội bóng chủ nhà thế nào, và nhất là những ấn tượng mà họ tạo ra sau sự kiện này. Williams - một thành viên khác của Springboks hồi năm 1995 - nói: “Mọi người không biết gì về Nam Phi trước đây. Nhưng sau giải đấu, họ sẽ biết mình vừa rời khỏi một trong những đất nước tuyệt vời nhất trên thế giới. Họ có thể đến và bản thân họ sẽ cảm nhận, và tôi nghĩ rằng họ sẽ ra về với những cảm giác họ chưa bao giờ có được trước kia”.
Tuy nhiên, Nelson Mandela - gạch nối giữa 2 kỳ World Cup trọng đại - nhiều khả năng sẽ không thể dự buổi lễ khai mạc do vấn đề sức khỏe. Cháu của ông cho biết ở tuổi 91, Nelson Mandela buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt các chương trình an dưỡng.
Sơn Nguyễn