Hẹn nhau từ trước, cuối tuần qua, chúng tôi đã có dịp chứng kiến một trận thi đấu của CLB ném dĩa Sài Gòn với những pha nhảy cao hoặc bay người bắt dĩa ngoạn mục, hoặc những cú trượt ngã trong tiếng cười vui nhộn của gần 20 nam nữ thanh niên tại trường đua Phú Thọ…
- Một chút lịch sử

Một trận thi đấu của CLB ném dĩa Sài Gòn.
Ý tưởng về môn thể thao Ultimate Frisbee (tạm dịch là ném dĩa) được ông Joel Silver giới thiệu với các học sinh trường trung học Columbia ở bang New Jersey (Mỹ) vào năm 1967. Hơn 2 thập kỷ sau, môn này mới được phổ biến rộng rãi tại đây rồi lan sang Canada, Australia, các nước châu Âu và một số nước châu Á.
Tại Việt Nam, một số người nước ngoài thuê sân chơi ném dĩa ở Hà Nội từ năm 1997. Dần dần, nhiều người Hà Nội biết đến môn thể thao này và thường xuyên tập luyện. Năm 1998, CLB ném dĩa Hà Nội ra đời và hiện quy tụ trên 50 hội viên (khoảng 80% người Việt) thường chơi tại sân Nhà khách ITC, quận Cầu Giấy. Ở Sài Gòn, có lẽ cô Nguyễn Mỹ Xuân là người khởi xướng khi từng tham gia chơi môn này lúc học Đại học tại Hà Nội.
Trở lại TPHCM, cô cùng anh bạn Andrew Scyner (Canada) và một số bằng hữu tổ chức CLB ném dĩa Sài Gòn vào mùa hè 2004 với khoảng 40 thành viên, trong đó phân nửa là người Hà Lan, Úc, Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Philippines, Thái Lan… Lúc đầu, họ thuê sân ở Thanh Đa, sau đó chuyển về sân trường Đài Bắc (Q.7). Đầu năm 2005, đơn vị này lấy lại sân để xây thêm phòng nên CLB phải tạm nghỉ. Vài tháng gần đây, CLB thuê được sân trong trường đua Phú Thọ và đang tập luyện, thi đấu vào sáng thứ Bảy hàng tuần.
- Thể thức thi đấu
Ném dĩa thi đấu trên sân cỏ hình chữ nhật dài 100m và ngang 37m. Hai đầu sân có khu vực ghi điểm (18mx37m). Đây cũng là nơi 2 bên sắp xếp đội hình (7 người/đội) xuất phát hoặc sau khi một bên ghi được điểm. Mở đầu trận đấu, đội không được quyền ưu tiên ném chiếc dĩa nhựa (hình tròn, đường kính 25cm, nặng 175gr, giá từ 10 đến 15 USD) cho bên được quyền ưu tiên.
Bằng việc chuyền dĩa cho đồng đội, đội tấn công phải nỗ lực đưa dĩa về khu vực ghi điểm của đối phương. Điểm được ghi khi một VĐV nhận dĩa trong khu vực ghi điểm của đối phương. Luật chơi cũng quy định: VĐV đã nhận dĩa không được chạy mà phải chuyền cho đồng đội trong 10 giây, quá thời hạn trên hoặc làm rơi dĩa thì phải chuyển dĩa cho đối phương, khi truy cản không được chạm vào người đối thủ…
Nói chung, 2 bên phải thay đổi chiến thuật phòng thủ, tấn công liên tục để giành chiến thắng. “Với những quy định trên, ném dĩa được xem là môn thể thao kết hợp từ bóng bầu dục (có khu vực ghi điểm), bóng đá (di chuyển liên tục), bóng rổ (cầm dĩa không được chạy). Tập luyện thường xuyên sẽ giúp người chơi tăng cường sức khỏe, rèn óc phán đoán, quan sát nhanh nhạy và đôi tay khéo kéo”, anh David kết luận.
Tùy theo điều lệ giải, trận đấu kết thúc khi một bên ghi được 13 hoặc 15 điểm đồng thời phải hơn đối thủ tối thiểu 2 điểm (như bóng chuyền). Thông thường, một trận đấu dài khoảng 1 giờ 30 phút. Bên cạnh việc không hạn chế số người thay thế, cuộc chơi còn có một điểm thú vị khác là không có trọng tài - người chơi phải có tinh thần fair play và tự giác chấp hành luật thi đấu. Khi phạm lỗi, 2 VĐV cùng thương lượng, nếu tranh chấp mới cần đến 2 đội trưởng.
Vừa qua, nhân chuyến du lịch ở Singapore, 2 CLB ném dĩa Hà Nội và Sài Gòn đã dự giải VĐ ném dĩa châu Á, thu hút 24 đội đến từ hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ. Dù tham gia lần đầu, đội Hà Nội - Sài Gòn cũng giành được hạng 14/24.
Trao đổi cùng chúng tôi, cô Mỹ Xuân giải thích: “Sở dĩ tôi chọn ném dĩa vì đây là môn thể thao nhẹ nhàng, phù hợp với nam lẫn nữ. Nó mang tính đồng đội cao, không nặng ăn thua (giải thưởng có khi chỉ là một chiếc nón) mà chủ yếu khuyến khích mọi người cùng vui chơi và thư giãn. Khi người chơi đông hơn, CLB sẽ đăng ký với ngành TDTT TPHCM. Xin mời các bạn đến với CLB của chúng tôi và hy vọng các bạn sẽ tìm được cho mình một môn thể thao bổ ích và thú vị”.
THIỆN TÂM