Chuyện xảy ra ở Công ty cổ phần ML bây giờ, nhưng nó đã xảy ra cách đây chừng 10 năm tại các công ty SGH, REE, TMS và… 10 năm rồi nó không hề giảm mà còn tăng mạnh hơn. Đó là nạn “cò”, đủ các loại “cò”, cò nội, cò ngoại (ngoại là ngoài công ty) diễn ra trong một bối cảnh hết sức giống nhau.
Nó có tài biết tất cả những người sẽ được mua cổ phiếu, biết số điện thoại, biết nhà ở…. Những loại cò đó gọi đến nhà, đi đến nhà để trả giá cao. Người được mua cổ phiếu công ty ham lợi, bán lúa non. Cò nội thì rỉ tai trong cơ quan, thông đồng với cò ngoại ăn chia chênh lệch. Thiết nghĩ, đã sinh ra cái chợ trời, thì chuyện có chim có cò là lẽ thường tình.
Ở một công ty niêm yết có thời kỳ còn có chuyện cò trắng, cò đen nữa kìa. Cò trắng chỉ là cò môi giới bình thường. Cò đen mới nguy hiểm, loại cò chuyên đi làm chuyện mờ ám để trục lợi từ những hoạt động đầu cơ, nội gián, chia rẽ. Đôi khi rất dã man, phao tin, gây hoang mang làm cho những người được mua vội vã bán lỗ, gây thiệt hại cho người mua được cổ phiếu của công ty cổ phần để rồi cười mỉa trước sự đau đớn của người bán, cò đen kiếm lời rất bạo.
Còn hàng trăm trường hợp cổ phiếu OTC làm cho hàng trăm người bị sập vốn, bán nhà mà trả nợ cũng không đủ. Người viết bài này đã biết quá nhiều trường hợp cổ phiếu OTC bán sang tay, đặc biệt từ các vụ mua bán sang tay ăn xổi. Và thông thường, khi nổi lên thành phong trào, người đầu tư ngắn hạn bị hấp dẫn hơn cả là rỉ tai đẩy lên thành “sốt” và “khát” rất nguy hiểm.
Cơn sốt cổ phiếu đã vượt qua ngưỡng cửa mọi nỗ lực của các nhà quản lý. Thị trường sôi động, các loại cổ phiếu đều tăng, đã có công ty chứng khoán bị phạt 70 triệu đồng do cơ quan quản lý cho rằng có những vi phạm khi tham gia hoạt động tín dụng và cho vay chứng khoán, công ty này đề nghị xem lại quyết định xử phạt.
Thực tế thời điểm hiện nay người mua chứng khoán vẫn nhiều hơn bán, đến độ các công ty chứng khoán lớn quá tải phải áp dụng biện pháp giảm tải bằng cách chỉ nhận mở tài khoản với số tiền lớn từ 100 triệu đồng trở lên, nghĩa là cung không đủ cầu, có nhà đầu tư phải đến công ty chứng khoán từ 4 giờ sáng để xếp hàng chờ sàn mở cửa đặt lệnh mua, đặt lệnh bán …
Trong khi các công ty niêm yết vẫn còn giữ một khối lượng lớn cổ phiếu của Nhà nước chiếm giữ trong các công ty cổ phần. Nếu có một chủ trương thống nhất của Chính phủ quy định, các công ty niêm yết phải bán cổ phiếu của Nhà nước thì chắc chắn sẽ giảm tải ngay.
Ai cũng biết, đang thời điểm cổ phiếu tăng giá, nếu đưa ra bán, Nhà nước sẽ thu được một khoản tiền rất lớn để đầu tư vào việc khác có lợi hơn. Được biết, có những công ty cổ phần không phải là những doanh nghiệp cần phải giữ cơ cấu vốn lớn của Nhà nước để chi phối thị trường. Nhưng họ không bán cổ phiếu của Nhà nước ra ngoài, mà khép kín trong nội bộ.
Thiết nghĩ, Chính phủ cần có chỉ thị bắt buộc các công ty cổ phần không nằm trong diện do Chính phủ quản lý, thì phải bán hết hoặc bán số lớn cổ phiếu của Nhà nước vì lợi ích của chính doanh nghiệp đó và góp phần giảm nóng cho thị trường chứng khoán.
LÊ NAM