
Một thực tế là kể từ khi TTCK Việt Nam hoạt động đến nay, thị trường cổ phiếu OTC (thị trường cổ phiếu chưa niêm yết) chưa bao giờ thanh khoản (khả năng thanh toán) tốt cả. Kinh nghiệm của các nhà đầu tư thành công trên thị trường OTC cho thấy vào những giai đoạn sôi động nhất cũng chỉ có không quá 50 loại cổ phiếu xác định được giá giao dịch và khoảng 20 loại cổ phiếu chuyển nhượng thường xuyên.

Mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Ảnh: ĐỨC THÀNH
Vào thời điểm hiện nay, số lượng cổ phiếu OTC có giao dịch thường xuyên cũng không hơn 20 công ty (tập trung vào các gương mặt sáng giá nhất của ngành hàng tiêu dùng như Vinamilk, Vinacafe…; ngành ngân hàng như ACB, Sacombank, Eximbank, Quân Đội, Đông Á…; ngành dược như Dược Hậu Giang, Domesco…) trong khi quỹ hàng hóa là hơn 2.500 công ty đã cổ phần hóa. Do vậy, nhà đầu tư trước khi mua cổ phiếu OTC nên tính đến khả năng bán cổ phiếu cho ai sau này.
Công ty cổ phần Vận tải Container phía Nam (Viconship) vào thời điểm 2001 – 2002 nổi như cồn trên thị trường, cổ phiếu được săn lùng ráo riết với giá trên 300.000 đồng. Hiện nay, do gặp nhiều vấn đề trong quản trị (nhân sự bỏ việc, cán bộ quản lý sai phạm) mà cổ phiếu của công ty này hầu như không xuất hiện trên thị trường.
Trường hợp tương tự xảy ra tại Công ty cổ phần Y tế quận 3 (Yteco). Trong 2 năm qua, khi công ty có nhiều vi phạm trong xuất nhập khẩu thuốc đã khiến cổ đông không biết tương lai ra sao. Nhiều công ty cổ phần còn không họp đại hội cổ đông hàng năm như luật định và hạn chế quyền chuyển nhượng cổ phiếu của cổ đông. Do đó, nhà đầu tư cần tìm hiểu chủ trương của lãnh đạo doanh nghiệp khi quyết định đầu tư. Nhiều nhà đầu tư hiện nay thường có ý đầu tư thử một khoản vốn nhỏ vào cổ phiếu OTC rồi từ từ học hỏi.
Số khác, do thận trọng, luôn dàn trải khoản tài chính có hạn vào nhiều công ty nên không theo dõi hết được các thông tin - vốn luôn “úp mở” của công ty chưa niêm yết - thậm chí không được quyền họp đại hội cổ đông. Việc mua và bán những cổ phiếu lô nhỏ cũng phải trả phí cao hơn cho môi giới.
Khác với cổ phiếu niêm yết, giá cổ phiếu OTC chỉ xác định với từng giao dịch cụ thể. Trong giao dịch cổ phiếu OTC, ngoài sự tham gia của người mua và người bán, có thể có sự tham gia “chia phần” của nhiều môi giới với giá khác nhau.
Cho nên, nhà đầu tư phải chọn cho mình một môi giới đáng tin nhất và đặt niềm tin vào thông tin do người đó cung cấp. Trong thời gian qua, hầu hết các rắc rối tranh chấp trong giao dịch cổ phiếu OTC xảy ra là do nhà đầu tư giao dịch thông qua người môi giới không quen thân hoặc môi giới mới vào nghề.
Việc mua cổ phiếu OTC, vì vậy, cần phải được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.
ANH KIM