Đây là đề nghị của ông Nguyễn Quốc Dũng (ngụ quận 9, TPHCM) trong buổi đối thoại giữa người khuyết tật với các sở, ngành của TPHCM, vừa được Sở LĐTB-XH TPHCM tổ chức. Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, thay vì cấp bảo hiểm y tế (BHYT) hàng năm và năm nào cũng phải cấp, có thể chuyển sang cấp BHYT trọn đời.
Người khiếm thị tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp qua bảng chữ nổi Braille
Ý kiến cấp thẻ BHYT suốt đời của ông Dũng được Sở Y tế TPHCM đánh giá là “rất hay”. Hiện nay, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng đều được cấp thẻ BHYT. Riêng người khuyết tật nhẹ, hiện chưa được hỗ trợ cấp thẻ BHYT mà phải tự mua. Tại TPHCM, gần 37.000 người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng được cấp thẻ BHYT.
Góp ý với các sở, ngành, nhạc sĩ Khải Hoàn (quận 10) bức xúc, trước đây ông hưởng trợ cấp cho người khuyết tật là 740.000 đồng/tháng. Từ khi về hưu, phường cắt số tiền đó. “Lương hưu do công sức tôi làm và đóng BHXH liên tục 30 năm, tôi về hưu, hưởng phần mình đã đóng góp là đương nhiên. Tại sao giờ lại cho rằng có lương hưu nên cắt trợ cấp khuyết tật?” - nhạc sĩ Khải Hoàn chất vấn. Bà Trần Thị Kim Danh (Câu lạc bộ Hướng nghiệp khuyết tật trẻ TPHCM) phản ánh, bà chạy vạy khắp nơi nhưng không kiếm được chỗ buôn bán, bán ở lề đường thì không được phép. Bà Danh đề nghị, TP cần có chỗ cho người khuyết tật kinh doanh buôn bán, tạo điều kiện đầu ra cho các sản phẩm của người khuyết tật. Cũng tại buổi đối thoại, nhiều người khiếm thị phản ánh, đi xe buýt bị phân biệt đối xử, một số xe buýt không quan tâm, không thông báo và dừng xe đúng điểm, khiến người mù lên xuống vất vả; TP cần có nhà ở xã hội cho người khuyết tật...
Ông Võ Minh Hoàng, Phó trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết, hàng năm, Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật (Sở LĐTB-XH TPHCM) và Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP (Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP) dạy nghề cho khoảng 750 người khuyết tật với các nghề như nghề may công nghiệp, tin học, làm hoa lụa, sửa xe máy… Đồng thời, giới thiệu việc làm cho khoảng 1.000 người. Bên cạnh việc dạy nghề, TP hiện có 21 cơ sở có sử dụng lao động là người khuyết tật. Nhằm tạo thêm thu nhập cho người khuyết tật có sản phẩm cần tiêu thụ và tạo điều kiện cho các cơ sở có sử dụng lao động khuyết tật, các cơ sở có thể ký gửi bán sản phẩm tại nhiều điểm như: Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ người tàn tật Hóc Môn, Khu du lịch Văn Thánh, Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM. Các gian hàng này trưng bày và bán các sản phẩm chủ yếu gồm: tranh thêu chữ thập, tranh sơn dầu, tranh kết cườm, tranh khắc gỗ, mẫu và nguyên phụ liệu thêu, dép len, nghệ thuật tạo hình hoa đất…
Về việc đi xe buýt, theo ông Võ Minh Hoàng, thời gian qua, TP đã cấp gần 11.000 thẻ xe buýt miễn phí cho đối tượng là người khuyết tật, thương binh, bệnh binh. Thành phố có 2.512 xe buýt trong tổng số 2.784 xe có bố trí ghế dành riêng cho người khuyết tật. Trong đó, có 14 xe gắn bệ nâng hạ tự động dành cho người khuyết tật sử dụng xe lăn, 43 xe sàn thấp và 176 xe sàn bán thấp thuận tiện cho người khuyết tật sử dụng. Các ga hành khách xe buýt đã được đầu tư xây dựng mới, 327 điểm chờ trong gần 500 điểm chờ xe buýt có mái che, thiết kế và cải tạo lối lên xuống thuận tiện cho hành khách là người khuyết tật. Tiếp thu các ý kiến phản ánh, bà Nguyễn Thị Liên, Phó giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM đề nghị người khuyết tật khi đi xe buýt cần chú ý số điện thoại in sẵn trên xe; nếu xe buýt nào phục vụ không chu đáo, hãy gọi thẳng tới số điện thoại đó góp ý cụ thể. Song song đó, TP cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị vận tải trong việc triển khai thực hiện, nhằm chấn chỉnh kịp thời các trường hợp phân biệt đối xử hoặc thu tiền của người khuyết tật.
MẠNH HÒA