Điều 69 Bộ luật Lao động hiện hành quy định: Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận làm thêm giờ nhưng không được quá 4 giờ trong một ngày, 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ trong một năm do Chính phủ quy định...
Việc quy định và khống chế thời gian làm thêm giờ như vậy là giúp người lao động có đủ thời gian tái tạo sức lao động để có thể làm việc tốt hơn, với năng suất cao hơn. Tuy nhiên, theo dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi bổ sung, thời gian làm thêm giờ không được quá 50% số giờ làm việc chính thức và không quá 30 giờ trong một tháng và bỏ quy định số giờ làm thêm tối đa trong một năm. Như vậy, theo quy định này, số giờ làm thêm trong một năm của người lao động sẽ là 360 giờ - cao hơn so với quy định hiện hành là 160 giờ. Mặc dù dự thảo đề ra nhận được sự đồng tình của không ít doanh nghiệp – chủ sử dụng lao động nhưng đại đa số người lao động lại đang hết sức lo lắng nếu dự thảo trên thành hiện thực.
Cách đây hơn 10 năm, Chính phủ đã quyết định chế độ làm việc 40 giờ/tuần áp dụng cho khu vực cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước, còn khu vực doanh nghiệp chỉ khuyến khích áp dụng. Trên thực tế, hầu hết đều áp dụng chế độ làm việc 48 giờ/tuần. Như vậy, so với khu vực hành chính - sự nghiệp, người lao động khu vực doanh nghiệp đã làm việc nhiều hơn 8 giờ/tuần. Nay, cơ quan soạn thảo sửa đổi bổ sung Bộ luật Lao động đề nghị tăng thời gian làm thêm giờ từ 200 giờ lên 360 giờ/năm càng làm gia tăng sự bất hợp lý và thiếu bình đẳng giữa hai khu vực này.
Sở dĩ chủ sử dụng lao động muốn như vậy là vì việc tăng thời gian làm thêm giờ sẽ có lợi nhiều mặt cho họ như không phải tuyển thêm lao động mới, không phát sinh chi phí tuyển dụng, chi phí đào tạo nghề cho lao động mới, tiền nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, các khoản phụ cấp tăng thêm như nhà ở, xăng xe...
Trong khi đó, hầu hết người lao động buộc phải làm thêm giờ vì tiền lương quá thấp, không đủ trang trải cho nhu cầu tối thiểu hàng ngày. Không ít trường hợp, do làm việc quá sức cộng với ăn uống kham khổ mà nhiều người lao động bị ngất xỉu ngay tại chỗ làm việc, mắc thêm bệnh nghề nghiệp… Chính vì vậy, các đại biểu Quốc hội cần cân nhắc trước khi biểu quyết tăng giờ làm thêm theo dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi hiện nay.
HỒ THU