Nền tảng xây dựng lòng tin

Hội nghị Ngoại trưởng lần thứ 5 về Phối hợp hành động và Các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) sẽ diễn ra tại Bắc Kinh tư ngày 27, 28-4 tới.

Hội nghị Ngoại trưởng lần thứ 5 về Phối hợp hành động và Các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) sẽ diễn ra tại Bắc Kinh tư ngày 27, 28-4 tới.

Ngoại trưởng các nước thành viên, các nước quan sát viên cùng đại diện các tổ chức quốc tế quan sát viên của CICA sẽ tham dự theo lời mời, đại diện các tổ chức quốc tế khác sẽ đến dự với tư cách là khách mời của nước chủ nhà. Chủ đề của Hội nghị Ngoại trưởng lần này là Đối thoại thúc đẩy an ninh, các bên sẽ thảo luận sâu về tình hình an ninh châu Á, vấn đề tấn công chủ nghĩa khủng bố hiện nay, thực hiện các biện pháp tin cậy của CICA, thúc đẩy văn hóa đối thoại. Các ngoại trưởng sẽ ra một Tuyên bố, gắn kết và thể hiện rộng rãi nhận thức chung giữa các bên trên vấn đề hữu quan, quy hoạch phát triển bước tới của CICA. Hội nghị về Phối hợp hành động và Các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) là diễn đàn đa phương về an ninh. CICA có 26 nước thành viên, 12 nước và tổ chức quan sát viên, trở thành mặt bằng quan trọng xuyên nền văn minh, xuyên khu vực thảo luận vấn đề an ninh và hợp tác khu vực không có nhiều tại châu Á.

Cùng lúc này, tờ Quang Minh Nhật báo ngày 25-4 dẫn lời Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Singapore, Thiếu tướng Lâm Thanh Diệu cho biết, trong bối cảnh nguy cơ về an ninh không ngừng gia tăng, 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan cần tìm ra phương thức mới để đảm bảo an ninh và cùng nhau hợp tác nhằm ngăn ngừa các cuộc tấn công khủng bố tiềm tàng. Tướng Lâm Thanh Diệu cho rằng mối đe dọa từ cướp biển sẽ không biến mất hoàn toàn. Chương trình tuần tra eo biển Malacca muốn tiếp tục thu được thành quả phải dựa vào sự hợp tác chặt chẽ giữa hải quân các nước. Ông bày tỏ mong muốn các nước tiếp tục tăng cường hợp tác, tìm tòi phương thức ứng phó mối đe dọa mới cũng như thương thảo, trao đổi thông tin tình báo hiệu quả hơn, tránh để xảy ra các vụ tấn công khủng bố tại eo biển này.

Trong bối cảnh an ninh và phát triển khu vực châu Á vẫn đối mặt với các mối đe dọa và thách thức truyền thống và phi truyền thống như chủ nghĩa khủng bố, đói nghèo, tranh chấp lãnh thổ, mở rộng vũ khí hạt nhân… liệu các bên tham dự hội nghị này có thảo luận đưa được một giải pháp cụ thể hay không đối với một số vấn đề an ninh điểm nóng tại khu vực châu Á? Trang Tin Tham khảo Trung Quốc nhận định, là một cơ chế đối thoại vấn đề an ninh toàn khu vực châu Á, CICA phải tìm được một quan niệm và khung an ninh có thể phù hợp lợi ích quốc gia của tất cả các nước châu Á. Khu vực châu Á quả thực có không ít mâu thuẫn và vấn đề, vì vậy các nước thành viên khu vực châu Á cần xây dựng nhận thức chung về an ninh sao cho phù hợp trào lưu thời đại và được các bên đồng thuận và chấp nhận. Sự thiếu vắng lòng tin là một trong những nguyên nhân chính của những bất ổn hiện nay trong đó có các tranh chấp chủ quyền, biển đảo tại khu vực. Vì vậy, việc các nước châu Á cùng nhau thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và hợp tác là rất cần thiết. Tuy nhiên, lòng tin cần được gây dựng qua các cam kết và hành động nhất quán của các nước, phù hợp những chuẩn mực chung, đó là tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Các bất đồng và tranh chấp hiện nay ở khu vực phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, các nước phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiềm chế không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình... Có như thế, việc xây dựng lòng tin mới không bị rơi vào hình thức, không chỉ là dùng lời suông nói cho qua chuyện.  


VIỆT LÊ

Tin cùng chuyên mục